miền tây

Cách làm Bẫy nước ngọt cùng Tản mạn chuyện nước mặn miền tây hồi nhỏ

Mình lớn lên ở miền Tây cho nên hiểu rõ mùa khô nước mặn. Hồi nhỏ, mỗi khi mùa khô là mỗi lần ám ảnh. Con sông Kiên bị mặn. Nước máy cũng mặn chát. Đến tháng 3 tháng 4 là không nhà nào còn nước ngọt.  Nước ngọt không có để uống, thì tắm rửa phải dùng đến nước mặn. Gần biển, cho nên các con giếng cũng mặn đắng. Có cái giếng unicef ở trường cấp 2 cách nhà gần hơn 1 cây số thì nước lợ lợ. Thành ra cả xóm quẫy thùng đến hứng.

Hai cái thùng 20 lít đối với đứa gần 10 tuổi mới nặng làm sao! Đi hơn một ngàn rưởi mét về đến nhà thì gánh nước 40 lít nước chỉ còn có có 20. Mỗi buổi chiều ráng lắm mới được lưng lưng cái lu da lươn. Con nít trong xóm, cứ mùa khô là còi cọc đi một tí: đứa nào cũng gánh nước. Mà nước này chỉ để tắm vì có mùi bùn non. Tắm xong, lấy cái ca nhôm nhỏ xíu múc nước ngọt “tráng” khắp người. 

Nước uống mới khổ. Nước lợ, càng uống càng khát. Đến nhà ai mà có được ngụm nước mưa, ôi chao là sướng. Con nít khổ nhất, cứ chiều tối tụ tập, lại kháo nhau chỗ nào có nước ngọt đến xin uống ké. Rồi nước ngọt cũng hết. Nhà giàu trong xóm cũng phải uống nước mưa pha với nước mặn. Đi học thì bình toong của đứa nào cũng mặn chát. Nhiều năm đến tháng 7 vẫn chưa có mưa. 

Đến năm 85-86 nhà mới có cái bồn nước vài khối (cái bồn này nguyên là cái giếng, về sau đặt ống bi và xi măng láng đáy để thành cái bồn), thì mới thoát được nạn khát. Hơn nữa còn có thể đổi nước lấy tiền. Cứ một đôi nước 1-2 đồng bạc, hết mùa mưa thể nào cũng có được ít tiền. 

Mấy bữa nay thấy miền Tây khát cháy. Người thành phố cứ nghĩ cây cối không nước tưới, nhưng không biết rằng cả người cũng thiếu nước uống. 

Trẻ em thành phố cũng không biết rằng, những đứa trẻ quê phải gò lưng gánh nước và uống nước mặn. 

Hơn 30 mươi năm đã qua, đừng nghĩ là đã khá hơn xưa. Bữa nay sông Mekong bị bức tử, cả một vùng châu thổ khát cháy, nước biển tràn vào 100%, thì còn ghê gớm hơn xưa gấp bội. Và ngày nay dù có điện lưới, có trạm bơm, cũng chẳng giải quyết được gì. 

* * *

Mình không biết nhiều, nhưng có 2 “bí quyết” cần chia sẻ:

1. Nếu không có nước ngọt, không nên uống nước lợ. Càng uống sẽ càng khát. Để giảm tối đa lượng nước uống, cần phải bổ sung đủ nước. Cách hay nhất là uống… canh. Nấu một nồi canh lớn cho mỗi bữa. Ăn canh nhiều nhất có thể. Uống một bát canh lạt dù sao cũng ngon miệng hơn uống một bát nước lợ. Nếu ăn canh nhiều, có thể không cần phải uống thêm nước mà vẫn không khát.

2. Có thể có nước ngọt đủ dùng cho gia đình bằng “bẫy hơi nước“. (xem hình minh hoạ). Nó đại loại là một chiếc hộp bằng kính, trong có chứa nước mặn. Mang phơi chiếc hộp này dưới nắng, hơi nước sẽ bốc lên. Mặt trên cùng của chiếc hộp kính vì thế nên làm nghiêng, dốc vào một cái máng. Hơi nước sẽ ngưng tụ trên cái mặt trên cùng và chảy vào cái máng này. Chỉ việc thu nước trong cái máng, sẽ được nước ngọt. Có khoảng chục lít nước cho 1 m2 bề mặt/ngày. Với 2m2, sẽ thu được khoảng 20 lít nước mỗi ngày (ngày nắng có thể lên đến 50 lít/ngày), đủ cho nhu cầu nước uống của một gia đình. 

Bẫy nước mặn
Bẫy nước (solar desalination) – Ảnh: Pinterest

* Với 6 miếng kiếng và 2 chai silicon, bạn dư sức làm một cái bẫy nước ngọt để lọc nước mặn tiêu dùng. Nhớ là cái bẫy này phải kín nghen. Không thì hơi nước sẽ thoát đi hết. Ai không biết làm thì ra tiệm đặt cái hồ cá 1mx2m. Nhớ là cái nắp nghiêng khoảng 30 độ thu vào 1 cái máng. Cái máng này thu vào 1 cái bình nước suối 12 lít. 

Thế, không cần tới màng lọc nước đắt đỏ RO, vẫn có thể biến nước mặn thành nước ngọt. Hơn nữa, cái này “low-tech”, ai mần cũng được. 

SÁNG KIẾN THÊM CỦA VŨ ANH TUẤN BKHN

Làm cái túi siêu to siêu khổng lồ để làm Bẫy. Mặt dưới là bạt đen HDPE. Mặt trên là tấm phủ nhà màng. 2 lớp dán lại với nhau bằng nẹp nhà màng nông nghiệp. Chi phí tầm 40k/m2. Với 4 triệu đã có 100m2, chứa được 10m3 nước.

Công suất nhiệt mặt trời khoảng 2kw/m2, ngày 8h nắng thì 1m2 thu được 16kw. Đủ để bay hơi tầm 20L nước mỗi ngày. Với 100m2 có ngay 1 đến 2m3 nước/ngày.

CHIA SẺ CỦA NGUYỄN ĐỨC

Làm cái Hố chứa nước mặn, phủ bạc lên trên và để thùng chứa phía dưới, lấy ý tưởng từ cách những người lính lấy nước để sinh tồn từ đất và lá cây (Ảnh: adventurealternative)

Tác gỉa: Dáo Xư Phễu, 15/3/2020.

Related Articles

Gieo mầm trên sa mạc

Cuốn sách này chủ yếu là về thực hành, và dù đã không có được lượng độc giả rộng khắp như cuốn Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, nó vẫn rất đáng đọc, đặc biệt là với những ai quan tâm tới việc đưa những phương pháp làm nông tự nhiên của ông Fukuoka vào thực hành trên mảnh đất của chính mình.

Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ

Cẩm nang giới thiệu đến các bạn những nguyên tắc và cách thực hiện cơ bản trong sản xuất rau hữu cơ. Một tài liệu đào tạo về Nông nghiệp hữu cơ vùng nhiệt đới từ ADDA – Văn phòng tổ chức “Phát triển nông nghiệp Châu Á – Đan Mạch” tại Việt Nam.

[Infographic] Tìm hiểu về Nước & Vòng tuần hoàn của nước

Vòng tuần hoàn nước là gì? đó chính là sự tồn tại và vận động của nước trên mặt đất, trong lòng đất và trong bầu khí quyển của trái đất. Nước trái đất luôn vận động và chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ thể lỏng sang thể hơi rồi thể rắn và ngược lại. Vòng tuần hoàn nước đã và đang diễn ra từ hàng tỉ năm và tất cả cuộc sống trên trái đất đều phụ thuộc vào nó, trái đất chắc hẳn sẽ là một nơi không thể sống được nếu không có nước.

Tìm hiểu về Lưới thức ăn trong đất & Sức khoẻ của đất

Một số lượng vô cùng đa dạng các sinh vật tạo thành Lưới Thức Ăn trong đất. Theo kích thước, chúng gồm các loại nhỏ nhất với chỉ một tế bào như vi khuẩn, rong, nấm, động vật đơn bào tới các sinh vật phức tạp hơn như tuyến trùng, động vật chân khớp, tới các sinh vật dễ thấy bằng mắt thường như giun đất, côn trùng, các động vật nhỏ và cây trồng.

Responses

  1. Đọc bài viết của tác giả mà thấy xót xa quá, ai cũng nghĩ miền tây đất bồi phù sa, 1 vùng đất trù phú màu mỡ, nhưng mấy ai thấy những khó khăn này. Hy vọng một ngày sẽ có đủ nước sạch cho người dân.

    1. Điều kiện thiên nhiên càng ngày càng khó khăn hơn. Người dân miền tây phải tích cực học hỏi và cập nhật các phương thức canh tác sinh thái hơn để giữ gìn nguồn nước kết hợp với sự hỗ trợ từ địa phương để dự trữ nước cục bộ cho mùa khô hạn.

    1. Hình cuối là bạn Đức Nguyễn góp ý sử dụng cách như những người lính lấy nước để sinh tồn, lấy nước từ dưới đất, bên trong lá cây nên bạn thấy có lá cây trong ảnh. Cách này áp dụng trong các ao, mương nước mặn thì dùng tấm nylon phủ bên trên tương tự.