Chuối mọc trong vườn mít

Ký sự Organic của Hoàng Hải Vân

Kỳ 1: Cây cỏ hết hồn nhiên

“Hàng triệu sinh vật tồn tại trong đất. Mỗi sinh vật đều có quyền được sống, vì thế chúng không nên bị tiêu diệt bởi thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ”, lão nông Bhaskar Save (Ấn Độ) nói.

Cây cỏ mang lại nhiều lợi ích cho nông nghiệp, sinh thái nhưng ngày nay bị diệt trừ bởi các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ…

Anh cán bộ địa chính xã một vùng quê tỉnh Bình Thuận đưa tôi đi xem khu đất anh chuẩn bị trồng hành ngò ớt tỏi, để “cùng học hỏi kinh nghiệm”. Tôi hỏi đầu ra ở đâu, anh bảo để cung cấp cho bếp ăn các khu công nghiệp mà anh đang có mối. Dọc hai bên đường đến khu đất nhà anh là những vườn nhãn sum suê trĩu quả đang bước vào thu hoạch. Anh dừng xe trước một khu vườn, nói với chủ nhân: “Bác bán cho tôi mấy ký nhãn, chọn cây nào không xịt thuốc để tôi làm quà”. Chủ vườn cười, lắc đầu. Đến khu vườn thứ hai, chủ vườn bảo: “Không có đâu anh ơi, trồng nhãn thì cây nào chẳng phải xịt thuốc”. Đến khu vườn thứ ba, anh hạ thấp yêu cầu: “Bác chọn cây nào đã xịt thuốc lâu lâu rồi, bán tôi mấy ký”. Trả lời: “Mới xịt thuốc 1 tuần”. Anh quay sang nhìn tôi, ý muốn hỏi như thế có an toàn không, tôi bảo thôi đừng ăn nhãn. Tôi định hỏi cái khu hành ngò ớt tỏi của anh sau này có phải xịt thuốc gì không, nhưng khi anh tự nói đã phun thuốc diệt cỏ trước khi trồng rồi, tôi không hỏi nữa.

“Phát hiện” trên không có gì mới mẻ. Ai cũng biết trái cây trên thị trường hiện nay, dù của Trung Quốc hay của ta, đều có “xịt thuốc”, cấp thấp thì như mấy vườn nhãn tôi vừa nói, cấp cao thì dùng tiếp hóa chất độc hại làm tươi làm đẹp. Và ai cũng biết do khắp thế giới đều “xịt thuốc”, nên chúng ta vẫn có những loại rau quả xuất khẩu được kiểm định là an toàn với dư lượng hóa chất ở mức “cho phép”. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng biết là nông thôn của chúng ta đã bị hóa chất công nghiệp tàn phá nghiêm trọng đến mức đáng sợ như thế nào. 

Xã này nằm cách Khu bảo tồn thiên nhiên không bao xa. Nơi đây trước là vùng rừng nguyên sinh, tôi chắc là y như rừng của khu bảo tồn, dấu vết còn lại là nhiều gốc sến, gốc sao cổ thụ nằm trơ trên cát, không biết đã bị chặt phá từ lúc nào. Nằm trũng giữa xã có một cái bầu tương đối rộng, hiện vẫn còn nhiều cá tôm chim chóc hoang dã cư ngụ, thỉnh thoảng bắt gặp chồn cáo, gà rừng. Ven bầu vẫn còn cây nắp ấm. Sau giải phóng đây là vùng kinh tế mới, việc phá rừng khai hoang là đương nhiên. Nhưng nhiều người cho biết hơn 10 năm trước việc nuôi bò ở đây rất phổ biến, một cựu phó thủ tướng chính quyền Sài Gòn cũ, quê gốc ở xã này, sau giải phóng về dựng lại nhà thờ tổ tiên, cũng có trại bò hàng trăm con, chứng tỏ nơi đây từng có rất nhiều cỏ tự nhiên. Nay tuy còn một số hộ nuôi bò, nhưng mùa nắng bò gầy giơ xương, do chỉ ăn rơm vì làm gì còn cỏ.

Vùng này trước đây là rừng nguyên sinh

Cỏ dại không chỉ vô hại với cây trồng mà còn là thảm thực vật giữ độ ẩm và nuôi dưỡng hệ sinh vật làm màu mỡ bền lâu cho đất. Cha ông ta đã biết ăn ở đúng mực với cỏ. Cha ông ta “làm cỏ” là làm quang thoáng cho cây trồng, chỉ những cây trồng cùng một tầng ăn với cỏ, như lúa, mới cào cỏ rồi vùi xuống cho tốt đất. Thảm cỏ vẫn được duy trì hợp lý và luôn tái sinh tươi tốt, cho gia súc có cái để ăn, cho đất đai không bị xói mòn, cho không khí đồng quê trong lành tươi mát. Và nên nhớ phần lớn các loại cỏ dại đều là những vị thuốc, nhờ chúng mà con người cùng gia súc gia cầm kháng được bệnh, chúng chính là phước lành trên vườn ruộng. Cha ông ta không coi cỏ dại là kẻ thù mà là bè bạn. Nhưng đó là chuyện ngày xưa.

Còn ngày nay không hiểu chủ trương từ đâu và từ bao giờ mà tự nhiên ở nông thôn đã hình thành một phong trào “toàn dân diệt cỏ”. Ở đây người ta trồng thứ gì cũng phun thuốc diệt cỏ, trồng bắp diệt cỏ, trồng sắn diệt cỏ, trồng rau đậu diệt cỏ, trồng keo lá tràm diệt cỏ, thậm chí trồng cỏ voi cho bò ăn cũng phun thuốc diệt cỏ. Mùa mưa một số cỏ vẫn chòi đạp ngoi lên, nhưng mùa nắng thì hầu như không có, những thứ cỏ có thể sống được trong mùa nắng, như cỏ ống, đều bị diệt tận gốc, trừ một số nơi chưa canh tác nằm dưới vùng trũng. Thảm cỏ bị tận diệt, cả một vùng vốn là rừng nguyên sinh trở thành những dải cát cháy bỏng, dọc hai bên đường phủ đầy rác thải “hiện đại” là túi ni lông và hộp nhựa. 

Bồi thêm với thuốc diệt cỏ là thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu, thường được gọi với cái tên mỹ miều là thuốc bảo vệ thực vật, được phun khắp các loại cây trồng, từ cây điều cây sắn cho tới rau cải rau lang rau muống. Vườn nhà này phun thì vườn nhà khác muốn không phun cũng không được, nếu không phun sẽ hứng thêm sâu rầy bên phun dịch chuyển sang cư trú. Tình trạng này là phổ biến trong cả nước, và trầm trọng thêm, trở thành mặc định trong ngành trồng trọt với việc phổ cập các giống cây lai tạo, thậm chí các giống biến đổi gen, mà các nhà tạo giống cố ý “buộc” chúng phụ thuộc vào các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay bắp (ngô) lai được trồng trên 80% diện tích trồng bắp cả nước, nếu tổ tiên chúng ta sống dậy sẽ thấy lạ lùng là phần lớn các thứ bắp này được “cài đặt” để thu hoạch không thể dùng làm giống, muốn trồng tiếp phải tiếp tục mua giống. Thứ bắp bị “thiến” đó bầy gà kiến (là giống gà ta cổ truyền) nhà tôi nhất định không thèm ăn.

Cây cỏ tự nhiên đang được khôi phục

Hóa chất đang làm méo mó và thu hẹp môi trường sống của các sinh vật bản địa. Các giống cây và rau quả truyền thống gắn chặt với đất Việt, vốn là những thức ăn tương thích với đặc điểm sinh học của người Việt ta,  dần dần bị thu hẹp, một số gần như bị loại bỏ (như bắp). Và hiếm có nơi sáng dậy còn được nghe tiếng chim hót trong vườn, “chim chuyền bụi ớt líu lo” chỉ còn trong ca dao cổ tích.

Nỗi sợ hãi về rau quả nhiễm chất độc ngày càng gia tăng, buộc người ta phải tìm mọi cách tự vệ. Nhiều người chỉ ăn rau quả do tự mình trồng, một số người dân thành thị trồng rau vào các chậu đặt trên sân thượng. Ở chợ, có khi người ta tìm sâu bỏ vào rau đem bán để chứng minh rau không phun thuốc, khiến cho sự tự vệ của người tiêu dùng càng được siết chặt. Nhưng các cách tự vệ đều chỉ giữ cho bản thân mỗi gia đình được thoát hiểm trong hiện tại và chẳng thấm vào đâu so với tình trạng đại chúng vẫn phải ăn rau quả nhiễm độc. 

Trong một môi trường mà các loại thuốc trừ sâu diệt cỏ được phun một cách dày đặc, tràn lan và hợp pháp, một môi trường mà cây cỏ tự nhiên khó mà tự mình sinh sống, liệu có nơi nào sản xuất được rau quả organic thương phẩm hoàn toàn không dùng hóa chất ? 

Kỳ 2: Bài ca không dễ hát

Thực phẩm “sạch” trong các siêu thị giờ đây không còn an toàn nữa, vì không ai kiểm định dư lượng hóa chất của nó có ở mức “cho phép” hay không, nhưng dù dư lượng “cho phép” đi chăng nữa thì nhiều người vẫn không thích.

Trong vườn organic cây ăn trái có thể chen nhau xanh tốt với cây rừng mà không cần phân bón, thuốc trừ sâu

Dân thành thị bây giờ đổ xô tìm mua thực phẩm hữu cơ (Organic foods), là thứ đối với rau quả thì không sử dụng phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu, đối với thịt cá thì không sử dụng hóa chất trong thức ăn, không dùng thuốc kháng sinh, không dùng thuốc kích thích tăng trưởng. Trên thị trường đang quảng cáo các thực phẩm như vậy, giá mắc hơn thực phẩm thường. Nhiều người đã mua, đã ăn, nhưng chưa ai mục sở thị chúng được làm ra như thế nào, có thật như quảng cáo hay không.

Nông nghiệp hữu cơ (Organic farming), cao hơn nữa là nông nghiệp tự nhiên (Natural farming) trên thế giới có hai vị “sư tổ”, là ông Bhaskar Save, người Ấn Độ và ông Masanobu Fukuoka người Nhật. Bhaskar Save, một lão nông được tôn là vị thánh sống của ruộng vườn organic, còn Masanobu Fukuoka là vị giáo sư đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp tự nhiên. Đọc những gì hai ông viết và những gì người ta viết về hai ông, tôi bỗng nhớ ông nội bà nội tôi, bởi vì những gì mà hai ông làm cũng na ná như những gì mà ông bà tôi đã làm ngày xưa. Tôi cũng nhớ làng tôi, cái làng trong lành đến mức thỉnh thoảng có anh chàng từ thị trấn về đây “cưa gái”, trên đường phì phèo điếu thuốc thơm là cả làng nghe mùi. 

Thức ăn của tổ tiên ông bà chúng ta chính là organic foods, giờ đây thứ thức ăn đó đã tuyệt chủng, còn chăng chỉ có ở những nơi tít mù ngoài tầm hướng dẫn của các bề trên nông nghiệp. Những cái làng trong lành như làng tôi cũng đã tuyệt chủng.

Viết về thực phẩm hữu cơ, các nhà báo của chúng ta thường cao giọng đề cao hay phản biện, nhưng cũng chỉ nghe, đọc hoặc nhìn những thứ được bày bán mà chưa ai có cơ hội trải nghiệm. Cho nên những bài báo loại này không khác mấy những lời đồn. Để viết được những gì mà lão nông Bhaskar Save làm, một nhà khoa học Ấn Độ đã phải tình nguyện theo ông suốt 30 năm.

Ở Ấn Độ, cuộc cách mạng xanh có sức mạnh mãnh liệt xua đuổi đói nghèo trong ngắn hạn, song đã để lại những di hại khủng khiếp cho môi trường sống, nghĩa là tích tụ nghèo đói cho tương lai, nhưng cũng có một làn sóng ngược mãnh liệt không kém để hồi phục thiên nhiên mà lão nông Bhaskar Save là đại biểu. Đến nay Ấn Độ đã cấp chứng nhận 2,5 triệu ha đất trang trại đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Còn nước ta thì sao ? Quá khứ thì tuyệt chủng, hiện tại chưa có gì, còn tương lai thì mù mịt.  Một số trang trại, một số nhà vườn đang nỗ lực đi theo hướng này nhưng chưa ai tin, hớ một chút là bị các nhà báo không có chút thực tế nào lớn tiếng “phản biện”. 

Từ lâu tôi đã nung nấu ý định về quê kiếm đất trồng cây nuôi heo nấu cơm cho vợ, như ngày xưa ông nội tôi đã làm. Cách đây hai năm, theo sự “xúi giục” của cựu Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, gia đình tôi đến xã này mua một mảnh đất  với giá 1 ha, chưa bằng giá 1 mét vuông đất ở trung tâm Hà Nội, quyết trồng trọt chăn nuôi theo cách của ông bà chúng tôi, có học hỏi những lời dạy của các vị “sư tổ”. Thành bại chưa tính đến, mục đích là tạo một chỗ cho sau này gia đình được tự do “hát câu no lành”, cũng là để trải nghiệm xem có làm được organic hay không, nhằm phục vụ hữu ích cho nghề báo. Em trai tôi, một nông dân “cày đường nhựa” ở Củ Chi, có chút ít kinh nghiệm làm vườn từ thời ba tôi trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc, tình nguyện lên coi ngó. Vợ chồng tôi cũng làm trực tiếp trong thời gian có thể. 

Điều may mắn là mảnh đất chúng tôi mua phần lớn vẫn còn hoang hóa chưa ai canh tác, nửa phía dưới sát bầu một phần còn đầm lầy mọc nhiều cỏ ống, rải rác vẫn còn một số cây của rừng nguyên sinh còn sót lại.

Việc đầu tiên là giữ nguyên những cây rừng, từ bụi mua, bụi dũ dẽ đến cây sến, duối, gáo, găng tu hú …,  chỉ chặt bỏ những cây “ngoại lai” và dọn sạch mọi thứ rác rưởi vô cơ. Đương nhiên tất cả các loại cỏ đều giữ, riêng cỏ ống và cỏ tranh được ưu tiên bảo vệ. Chúng tôi khoanh lại một khoảnh 1/3 diện tích, đem cỏ ống phía dưới lên trồng kín, xen với sậy, rồi trồng rải trên đó tre, chuối, mít, khế, ổi, bưởi, chanh.., tất cả đều là cây “thuần Việt”, không trồng cây lai. Người chúng tôi thuê cuốc đất trồng cỏ ống thỉnh thoảng tủm tỉm cười, chắc nghĩ ông bà này điên. 

Để “đa dạng hóa” các loại cây con “thuần Việt”, chúng tôi nhờ người thân tìm mua : gà kiến, heo cỏ, tre mỡ, trụ lông (một loại bưởi nổi tiếng ở làng Đại Bình), cau, chuối (chuối sứ hột, chuối cau, chuối thanh tiêu) và … phân bò từ Quảng Nam gửi vào. Chúng tôi mua giống ổi găng từ Hà Nội, bắp thì lấy những trái bắp giống cổ truyền bà con dân tộc treo giàn bếp ở Quảng Trị. Nhà báo Võ Như Lanh (cựu Tổng Biên tập thời báo Kinh tế Sài Gòn) có lần lên thăm đã thú vị cười ngất khi nghe tôi nói mang phân bò từ Quảng Nam vào, chẳng cần giải thích ông cũng hiểu tôi đem số phân bò đó không phải để bón cây mà … rải khống trên đất, cho những mầm cỏ dại từ quê tôi theo phân bò vào đây tự mọc. 

Cái khoảnh đất khoanh riêng đó chúng tôi nuôi heo kết hợp với nuôi gà. Quanh chỗ ở làm giàn bầu bí, phía dưới trồng rau. Diện tích còn lại từ từ nghiên cứu làm các thứ khác. Chỗ lầy trũng đào thêm thành ao để “dụ” cá hoang dã từ bầu lên ở, thả thêm cá thác lác và cá rô đồng tự nhiên, mặc cho chúng tự sống tự sinh, hoàn toàn không cho ăn.

Thành công đầu tiên là một giàn bầu và giàn đậu rồng trĩu quả, không biết làm gì cho hết trái. Thử đem ra chợ, 10 kg bầu 100% organic bán được … 30 ngàn đồng. Nhìn giàn bầu mà chán ngán.

Một hôm, nhìn qua bên kia hàng rào nơi đang trồng sắn, thấy chị chủ vườn mang bình xịt phun thuốc. Tôi hỏi chị phun gì, bảo phun thuốc diệt rầy sáp. Mấy hôm sau, nhìn đám ổi, đám bưởi vườn nhà thấy rầy sáp dày đặc, kéo theo là đám kiến hôi bám đầy. Rầy sáp ăn hại mầm cây và tiết ra chất ngọt hấp dẫn kiến hôi, kiến hôi vừa ăn chất ngọt do rầy sáp tiết ra vừa rỉa rói nhựa cây, đồng thời mang rầy sáp đi phát tán. Theo chân rầy sáp, nấm bồ hóng phủ xuống làm lá cây thân cây đen kịt. Trên cây trồng cũng đầy các thứ sâu to sâu nhỏ. Nhìn sâu rầy thi nhau đua nở mà phát rầu.  Nghe nói kiến vàng là thiên địch của sâu rầy, tôi tìm tổ kiến treo lên mấy cây  bưởi, chắc bắp sẽ hữu hiệu. Ngặt nỗi gà nhà tôi là gà kiến, vốn hảo món kiến, nên chúng ăn hết kiến dưới gốc rồi nhảy lên tổ kiến ăn sạch cả kiến lẫn trứng. Ba lần bảy lượt treo ổ kiến đều thất bại. Thử treo ổ kiến chỗ không có gà, cũng không được, vì bị kiến hôi tiêu diệt. Kiến vàng treo nhiều lắm chỉ đôi ba tổ, còn kiến hôi dù nhỏ con hơn nhưng thiên la địa võng dưới đất, lực lượng bao giờ cũng áp đảo, kiến vàng làm sao mà chống nổi. Phải xịt thuốc ư ? Nếu vậy thì chúng tôi lên đây làm gì cho tốn sức. Đành mặc kệ nó. 

Mới một khúc dạo đầu đã thấy bài ca Organic hoàn toàn không dễ hát. Được cái an ủi là chim chóc đã về, sáng chiều hót líu lo. Tre phát triển thành bụi, ong rừng bắt đầu về làm tổ…

Kỳ 3: Mặc kệ nó

Chán nản với đám sâu rầy lúc nhúc trên cây cối mà không được phép tiêu diệt chúng, tôi nghiền ngẫm lại những gì mà ông Fukuoka đã làm. Người làm vườn có tầm nhìn xa nhất thế giới này là niềm cảm hứng vô biên đối với chúng tôi.

Cỏ không phải kẻ thù mà là bè bạn

Nông nghiệp tự nhiên theo phương pháp của Fukuoka có yêu cầu cao hơn nhiều so với nông nghiệp hữu cơ. Yêu cầu cao nhất của canh tác hữu cơ là không sử dụng hóa chất trong chăm sóc và bảo vệ cây trồng, còn phương pháp của Fukuoka là tạo một môi trường tiệm cận với khuôn mẫu trong thiên nhiên để cây cối tự sinh trưởng, sự can thiệp của con người là tối thiểu. Fukuoa đúc kết thành 4 nguyên tắc:

Thứ nhất, không cày xới đất. Cày xới là việc của côn trùng, vi sinh vật và rễ cây rễ cỏ, chúng làm tốt hơn, hợp lý hơn con người. Nếu con người cày xới đất, sẽ làm lệch sự cân bằng tự nhiên, thúc đẩy cỏ dại và một số sinh vật phát triển quá mức.

Thứ hai, không sử dụng phân bón hóa học và hạn chế tối thiểu việc sử dụng phân hữu cơ. Trong tự nhiên, đất đai màu mỡ là do quá trình sinh trưởng và hủy diệt theo trật tự của các loài thực vật và động vật trong sự tương tác của thời tiết, không cần sự can thiệp của con người. Việc dùng thêm phân bón có thể làm cho cây trồng năng suất cao hơn nhưng do chi phí cũng cao hơn nên hiệu quả thấp, phân bón cũng không có tác dụng cải thiện sự màu mỡ của đất, ngược lại còn làm cho đất xấu đi. Việc sử dụng phân hữu cơ quá mức cũng hại nhiều hơn lợi, vì nó tạo điều kiện cho một số sinh vật phát triển mất cân đối làm phát sinh dịch bệnh

Thứ ba, không diệt cỏ. Fukuoka cũng coi cỏ dại là bè bạn như quan niệm của tổ tiên chúng ta. Ông không những không phun thuốc diệt cỏ mà còn không diệt cỏ bằng các biện pháp khác. Khi cỏ không cùng một tầng ăn với cây trồng, chỉ cần không cho chúng mọc cao hơn cây trồng để tránh cạnh tranh quang hợp là đủ. Khi chúng cùng một tầng ăn với cây trồng thì hạn chế chúng bằng cách phủ rơm sau khi gieo hạt hoặc trồng một lớp cây khác phủ lên diện tích đất. Fukuoka thậm chí còn trồng cỏ ba lá hoặc cỏ linh lăng xen cùng lúc với gieo lúa, khi lúa nẩy mầm ông làm cho cỏ yếu đi bằng cách cho nước vào để biến chúng thành chất dinh dưỡng cho lúa.

Thứ tư, không dùng thuốc trừ sâu. Khi môi trường canh tác tiến gần tới trạng thái của môi trường tự nhiên, nó sẽ tự tạo ra một hệ sinh vật cân bằng. Sự cân bằng sẽ ngăn chặn bất cứ loài nào phát triển quá mức hoặc giành ưu thế. Vì vậy sâu bọ côn trùng luôn luôn ở mức chấp nhận được, chúng tham gia vào quá trình ra hoa kết trái của cây cối và chọn lọc tự nhiên, chỉ làm hại những cây yếu nhất mà chúng ta cần loại bỏ. Thuốc trừ sâu cũng như thuốc diệt cỏ giết chết luôn hệ sinh vật, làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, gây độc hại cho nguồn nước và không khí.

Thành công của phương pháp Fukuoka đã vượt khỏi biên giới nước Nhật, được cả thế giới quan tâm. Tuy chưa phổ cập do những yêu cầu ngặt nghèo khó thực hiện của nó, và do không đủ sức chống lại “di sản” của cách mạng xanh và làn sóng công nghiệp hóa gắn với lợi ích của các tập đoàn nông nghiệp xuyên quốc gia đầy tiền của và thế lực, nhưng nhiều trang trại ở Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á, nhất là Ấn Độ đã áp dụng thành công. Những thửa ruộng, những khu vườn thuận với thiên nhiên mà con người tác động rất ít với chi phí thấp nhất nhưng năng suất cao, sản phẩm an toàn và hướng tới sự hoàn thiện của con người theo mô hình của ông là niềm cảm hứng cho các nước đang phát triển và cho giới trẻ. 

Phương pháp Fukuoka còn gọi là “nông nghiệp vô tác”, “nông nghiệp vô vi”, nghĩa là canh tác mà không cần làm gì cả. Bốn nguyên tắc của ông cũng là 4 nguyên tắc “không làm”. 

Chuối, mít mọc xen trong cây rừng

Tưởng là ngon ăn, nhưng làm mới biết không hề dễ. Vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên khi khởi sự cũng khó hát được bài ca của chính ông. Ông từng nhìn vườn cam vườn quýt bạt ngàn của gia đình thi nhau tàn lụi khi bắt đầu áp dụng triết lý “vô tác”. Ông hằng ngày quan sát sâu bọ tàn phá khu vườn và “mặc kệ nó”. Kết luận ông rút ra là: không có mảnh đất nào được coi là tự nhiên, khi con người đã trồng cây lên đó. Nhật Bản thời đó đã là dấn sâu vào con đường thâm canh, sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Đất đai khi đã canh tác theo cách đó là trái với tự nhiên rồi. Đã trái với tự nhiên thì phải chăm bón, cắt tỉa, diệt trừ sâu bọ thì chúng mới phát triển. 

Do đó, để “không làm gì hết”, đòi hỏi trước hết phải tạo ra một môi trường canh tác gần với tự nhiên nhất. Điều này thách thức mọi sự kiên trì. 

Và Fukuoka đã làm gì? Ông đem hạt giống các loại cây và rau quả trồng một cách ngẫu nhiên hỗn độn rồi… đứng ngó. Một loạt chết đi, một số sống sót. Ông mặc kệ nó. Việc thử nghiệm cứ thế lặp đi lặp lại, cây nào chết ông cho chết, cây nào sống thì thi nhau tươi tốt, cho đến khi một môi trường gần với tự nhiên được tái lập. Ông phát hiện sự xuất hiện của nhện trong vườn như là chỉ báo của sự bền vững. 

Vấn đề là gần với tự nhiên nào? Những cây ổi sẻ rừng chúng tôi đem trên núi xuống trồng, ban đầu sống, ra hoa nhưng không kết trái, cuối cùng thì tàn héo và chết hẳn. Còn ổi găng chúng tôi đem từ Hà Nội về trồng thì tươi tốt, 6 tháng đã trĩu trái. Chuối sứ hột đem từ chỗ chị tôi ở Đồng Nai về trồng thì lớn vụt, còn chuối đem từ Quảng Nam về trồng 1 năm chỉ lên tới ngực, đến năm thứ hai mới chịu đâm chồi. 

Vạt bắp nếp đầu tiên xanh mướt, thu hoạch tất cả dành làm giống, nhưng vụ sau chỉ lên lèo tèo. Đám đậu phụng lên rất sướng mắt nhưng quả dưới đất bị chuột ăn sạch sành sanh không thu hoạch được hạt nào. Khoảnh nếp nương gieo thử theo cách của Fukuoka, chưa kịp trổ đòng chuột đã cắn ngang cuối cùng chỉ còn lại cỏ…

Chẳng thể rút ra được quy luật nào cả. Nhưng mặc kệ nó, thiên nhiên khôn hơn chúng ta.

Nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi đang thành công, dù thu nhập trong hai năm chỉ được 30 ngàn đồng tiền bán bầu. Đến năm thứ hai sâu rầy trong vườn tôi tự nhiên giảm hẳn, đây đó nhện cũng đã giăng. Bưởi cây nào chết đã chết, cây còn sống nẩy mầm đâm lộc. Ổi găng vườn tôi thơm ngon hơn ổi găng tại chính quê hương của nó, chắc vì không bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu.

Giờ thì vườn chúng tôi có đủ cỏ, đủ chuối, đủ cây lá, đủ rong rêu cho heo, cho dê, cho bò, cho gà vịt, cho đàn chó Phú Quốc rong chơi…

Kỳ 4: Lớp học heo gà

Cả cái thôn này không ai tin chúng tôi nuôi heo cho ăn toàn cỏ dại. Có người hỏi heo gì mà ăn cỏ, tôi bảo heo cỏ mà không ăn cỏ thì ăn gì. Có người tò mò đến xem, thấy chúng ăn cỏ ống rào rào mới thấy “choáng”.

Heo gà làm vệ sĩ cho nhau

Đúng ra không ai cho chúng ăn mà chúng tự kiếm ăn trong vườn, thích cỏ gì ăn cỏ nấy, người nuôi chỉ cho chúng ăn dặm cám gạo, chuối cây và rau lang. Cỏ, chuối cây và rau lang trong vườn chúng tôi dĩ nhiên là không bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu. Đàn heo bây giờ hoàn toàn không bệnh tật, chúng lót ổ sinh sản và tự nuôi con, chẳng cần người chăm sóc. 

Đó là nuôi heo theo cách của cha ông ta, nghe thì dễ dàng nhưng tôi suýt nữa thì bỏ cuộc.

Sau khi trồng đủ chuối, đủ rau lang và dưỡng cho cỏ lên xanh tương đối, tôi chia phần đất dành cho heo gà ra làm ba khu, mua lưới B40 ngăn lại, mục đích là thả heo ăn hết cỏ khu này thì chuyển sang khu khác, ăn hết khu thứ ba thì khu thứ nhất cỏ đã phục hồi, cứ thế mà luôn phiên, lúc nào heo cũng có cỏ ăn.

Heo cỏ là heo như thế nào? Hơn bốn ngàn năm trước dân tộc ta lập quốc trên mảnh đất này. Khi những cư dân đầu tiên chuyển từ săn bắt hái lượm sang khai phá các đầm lầy để trồng lúa nước, cùng với con chó, heo là con vật đầu tiên được dẫn đi theo. Sở dĩ vậy là do con heo có nhiều khả năng vượt trội hữu dụng cho con người, trong đó có khả năng qua đầm lầy biết đi vào những chỗ không sụt lún, con người cứ theo chân heo mà đi, cầm chắc an toàn. Heo còn là khắc tinh của các loài rắn độc và chồn cáo, chỗ nào có heo thì rắn độc không dám bén mảng lại gần. Vì vậy, heo từng là “hướng đạo”, từng là “vệ sĩ” cho tổ tiên ta khi mở cõi. Ngày nay những giống heo cổ truyền đó vẫn còn, đó là heo cỏ, điển hình nhất là heo Móng Cái, các tỉnh phía nam thường gọi là heo mọi. Heo cỏ “nguyên bản” ngày nay vẫn giữ những đặc tính khi xưa. Báo chí từng viết về con heo “ăn chay và biết giữ nhà” của ông Nguyễn Văn Mạo ở tỉnh Đồng Tháp, coi đó là chuyện lạ. Heo của ông Mạo chính là heo cỏ. Con heo cỏ nào nếu được huấn luyện cũng có thể trở thành con heo như vậy, không có gì là lạ cả. Thịt heo cỏ thơm, hoàn toàn tương thích với đặc điểm sinh học của cơ thể người Việt ta, người khỏe mạnh ăn vào bổ dưỡng, người đau ốm ăn vào ngừa trị bệnh. Toàn thân con heo bộ phận nào cũng là một vị thuốc, kể cả phân, nên có thể gọi heo cỏ là “con thuốc”. 

Gian nan nhất là gầy cho được một bộ giống thích nghi được với mảnh đất và cách nuôi này. Đầu tiên tôi mang 2 con heo từ miền núi Quảng Nam về, một đực một cái. Heo tôi nuôi chung với gà, theo kinh nghiệm người xưa thì hai thứ đó không thể tách rời nhau. Ai cũng biết gà là miếng mồi ngon cho rắn và chồn cáo, còn heo thì như đã nói, là khắc tinh của những con này. Ngược lại, heo mà bị bò cạp hoặc rết cắn là chết chắc, trong khi bò cạp hoặc rết mà gặp gà thì mười con bị ăn hết cả mười. Vì vậy heo gà ông bà ta nuôi chung để làm “vệ sĩ” cho nhau. 

Nhưng điều bất ổn đã xảy ra. Bầy gà con theo mẹ vào ăn gần chỗ máng heo ngày một vơi dần, hôm mất hai con, hôm mất ba con, không mất ban đêm mà mất ban ngày, nên không thể nói do chuột. Có hôm thấy diều hâu sà xuống gắp, tôi làm ông bù nhìn đội nón phất phơ trước gió để dọa, diều hâu không đến nữa. Không còn diều hâu nhưng gà vẫn mất và mất nhiều hơn. Một hôm bắt quả tang hai em heo miệng đang nhai gà. Hỏi ra mới biết hai em heo này là heo lai, mẹ Móng Cái còn cha là giống gì đó của Thái Lan. Chỉ có heo cỏ thuần mới là thân hữu của gà, còn heo lai thì không, dù là lai rừng hay lai Thái lai Mỹ. 

Cả cái tỉnh Bình Thuận này không tìm đâu ra giống heo cỏ. Tìm mãi mới được một con, của một chị nuôi trong nhà để chơi với cháu nhỏ, nay cháu lên thành phố học nên chị bán. Đó là em heo cái đến tuổi lên giống. Tôi mua về nuôi nhưng suốt mấy tháng không thể tìm đâu ra chú heo đực để gả chồng. Nghe nói chợ Bình Châu thỉnh thoảng vẫn có người mang heo cỏ con từ vùng núi xuống bán, “phục” hoài mới mua được một đàn 8 con, 3 đực 5 cái, yên chí là sẽ gầy được giống.

Heo ăn cỏ ống rào rào

Dù được chăm sóc rất cẩn thận, thực hiện mọi điều kiêng cữ, nhưng được vài hôm toàn bầy bắt đầu tiêu chảy. Tìm mọi thứ cây lá cho ăn “theo kinh nghiệm dân gian”, cũng không ăn thua, một số hết tiêu chảy nhưng vài ngày lại tái diễn, thân gầy teo tóp. Gặp ai tôi cũng hỏi và ai cũng bảo gọi thú y, gọi điện hỏi chị tôi cũng được trả lời: “Gọi thú y vào chích mấy mũi là hết liền”. Tôi bực mình nói: “Ngày xưa bà nội mình nuôi heo đâu có chích thuốc mà có bao giờ thấy bệnh tật gì đâu”, chị tôi cười: “Ngày xưa khác, bây giờ khác, bây giờ ai nuôi heo cũng phải chích thuốc”. Nếu phải chích thuốc thì việc gì tôi phải nhọc công nuôi heo. Tôi dứt khoát không chích thuốc, cho uống thuốc cũng không, dù là thuốc đông y. Và bầy heo lăn ra chết, cố hết sức giữ cho được 1 con heo đực nhưng cuối cùng nó chết luôn. Có thể ở đây lạ nước và môi trường chưa dung nạp với heo nuôi tự nhiên, hoặc giả bố mẹ của đàn heo này người ta đã từng chích thuốc khiến cho con của chúng sinh ra cũng phải chích thuốc, có phải vậy hay không tôi không thể biết. Nhưng “mặc kệ nó” thì không được, “mặc kệ nó” là chấm dứt nuôi heo. 

Chúng tôi lại lên vùng núi “phục” và mua được một đàn 4 con, chỉ 1 con heo đực, với hy vọng gầy giống rất mong manh. Lần này thì “mặc kệ nó”, tôi thả tự do trong vườn, chỉ để sẵn một ít cám gạo trộn nước, chúng tự do muốn ăn gì thì ăn. Lại bị tiêu chảy. Hôm sau chết 1 con, may là không chết con heo đực. Tôi cũng mặc kệ, không dùng cây lá để chữa, con nào chết cho chết, chết hết tôi sẽ không nuôi heo nữa. Cuối cùng thì không có con nào chết nữa, 3 con heo con tự nhiên hết tiêu chảy, trở nên khỏe mạnh, lớn nhanh. Tôi theo dõi trong vườn, thấy chúng không ăn nhất định một loại cỏ nào, khi thì ăn cỏ này, khi thì ăn lá khác, khi thì vít lá chuối xuống ăn, khi thì nhai luôn cây chuối con, khi thì nhai đất đá. Đó là chúng tự cân bằng thể trạng, tự cây lá chữa bệnh cho mình, chúng ta không thể biết lúc nào chúng ăn cây cỏ gì là thích hợp. Chúng ta không thể khôn hơn con heo, cái khôn của chúng ta là giữ cho được một vườn cỏ tự nhiên phong phú. Mọi thứ tri thức về thiên nhiên đều bất cập, chúng ta chỉ có thể “thuận với thiên nhiên” mà thôi.

Giờ thì 3 con heo cái mới và con heo cái đầu tiên đang chuẩn bị đẻ lứa thứ ba. Chúng tôi đã gầy được một bộ giống heo cỏ hoàn toàn không bệnh tật từ lứa thứ nhất và lứa thứ nhì. Khu vực khoanh lại trước đây đã được mở rộng đến sát dưới bầu. Từng đàn gà kiến đi theo, heo ủi tới đâu gà có mặt tới đó để “ăn ké” giun dế…

Kỳ 5: Rằng hay thì thật là hay…

 Ông Ngô Hoàng Minh, người sống bằng nghề nuôi heo ở gần vườn nhà tôi, thỉnh thoảng sang làm giúp tôi một số việc, như cho heo ăn dặm hoặc coi ngó heo đẻ.

Nuôi heo tự nhiên chi phí rất thấp

Trước đây ông vẫn có đồng ra đồng vào từ nuôi heo, còn bây giờ nuôi heo thịt không ăn thua nên ông chuyển sang nuôi heo nái, chủ yếu lấy công làm lãi, phải đi làm thuê mới có thêm tiền cho gia đình đủ sống. Heo ông nuôi bự con, dài đòn, là giống heo lai công nghiệp đang được nuôi phổ biến trong cả nước. Chuồng trại ông xây bằng xi-măng, máng ăn tự động “hễ chạm mỏ vào là thức ăn rớt xuống, ăn bao nhiêu tùy thích”, nước uống cũng tự động.

Tôi hỏi ông Minh heo ông ăn những gì, ông bảo ông mua “thức ăn” trong bao về cho ăn, “thức ăn” mà ông nói là cám công nghiệp mà các công ty thức ăn chăn nuôi bán. Hỏi cho chúng ăn rau cỏ hay chuối có được không, ông lắc đầu, nói cỏ hay chuối chúng không ăn, còn rau lang thì ăn nhưng không lớn, phải ăn “thức ăn” chúng mới chịu lớn. Heo ông nhốt trong chuồng, suốt ngày nằm rồi đứng dậy ăn. Tôi hỏi nếu mở cửa chuồng cho ra thì chúng có ra không, ông cười bảo không, chúng chẳng có nhu cầu gì ở ngoài chuồng cả.

“Thức ăn trong bao” hiện nay giá khoảng 12.000 đồng/kg. Nếu nuôi heo thịt, mua 1 con heo con cai sữa khoảng 1 triệu, nuôi 3 tháng được trên dưới 60 kg, với giá heo hơi hiện nay khoảng 50.000 đồng/kg, con heo 60 kg bán tầm 3 triệu. Mỗi con heo, nhỏ thì ngày ăn 1,5 kg thức ăn, lớn ăn 2,5 kg, bình quân khoảng 2 kg, 90 ngày ăn hết 180 kg, nhân với 12.000 đồng/kg, vị chi là 2.160.000 đồng tiền thức ăn, cộng với 1 triệu tiền heo giống, giá thành tính riêng hai khoản này mỗi con đã là 3.160.000 đồng. Với giá bán 3 triệu, mỗi con lỗ 160.000 đồng, chưa tính lỗ công nuôi, tiền thú y, tiền chuồng trại và tỷ lệ chết chóc. Nuôi nhiều tháng hơn, heo sẽ lớn hơn, thức ăn sẽ tăng lên, số lỗ sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi heo vẫn có lời chút ít, bằng cách mua cám công nghiệp “nguyên chất” về trộn thêm các loại cám bắp cám sắn giá rẻ để “hạ giá thành”. Gọi là lời nhưng cũng ở mức lấy công làm lãi, nếu tính đủ “đầu vào” thì vẫn lỗ.

Còn nuôi heo theo cách của tôi thì sao? Ban đầu thì rất tốn kém, nhưng khi đã tạo được một vườn cỏ tự nhiên và một bộ giống không bệnh tật rồi thì sự tốn kém không còn đáng kể nữa. Khi vườn chưa nhiều cỏ, tôi cho ăn dặm ngày 2 lần, rau và chuối thì có sẵn không phải mua, chỉ tốn khoảng 3.000 đồng tiền cám gạo 1 ngày cho mỗi con. Hiện nay khi cỏ đã nhiều, chỉ cho ăn dặm mỗi ngày 1 lần, chi phí cám gạo không quá 2.000 đồng. Cùng một thời gian nuôi, con heo tôi chỉ đạt trọng lượng bằng 1/3 heo ông Minh, nhưng chi phí thức ăn ít hơn 12 lần. Tôi chưa có ý định nuôi heo để bán, nhưng nếu bán theo giá thịt heo Organic thì chắc chắn phải cao hơn nhiều so với giá thịt heo công nghiệp. Chỉ vài con số như vậy đủ thấy hiệu quả kinh tế như thế nào.

Không ít các chuyên gia nông nghiệp và kinh tế bảo rằng, các giống heo truyền thống lớn chậm, năng suất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu thịt của dân chúng, còn heo công nghiệp lớn nhanh, năng suất cao, từ đó khuyến khích nuôi heo công nghiệp để “tăng nguồn thực phẩm cho xã hội”. Với lập luận tương tự như vậy, các giống lúa cổ truyền của dân tộc đã bị loại bỏ không thương tiếc, nhường chỗ cho các giống lúa lai gắn chặt với phân hóa học và thuốc trừ sâu. Các vị chuyên gia đó dĩ nhiên là văn hay chữ tốt, nhưng lại không chịu hiểu một xã hội thị trường thì phải khác một xã hội bao cấp hay một bộ lạc tự cấp tự túc.

Một người làm ra thứ gì đó để đem đi bán, điều anh ta quan tâm không phải là làm ra bao nhiêu mà là lời bao nhiêu. Lời nhiều thì làm nhiều, lời ít làm ít, không lời không làm. Vấn đề là hiệu quả chứ không phải là sản lượng hay năng suất. Nuôi con heo 30 kg mà lời 20 kg (tôi cho là tối thiểu theo cách nuôi của tôi) tất nhiên phải hơn nuôi con heo 100 kg mà chỉ lời 1 kg, thậm chí không lời kg nào, ấy là chưa kể một bên là thực phẩm sạch tự nhiên, một bên là thực phẩm nhiễm hóa chất.

Nhưng lời nhiều vì sao nông dân chúng ta không làm? Xin thưa là không thể làm được, nếu không có đủ kiên trì. Bởi vì lịch sử đã để lại cho chúng ta quá nhiều di chứng trên vườn ruộng, do chiến tranh, do chính sách nông nghiệp, do “mặt trái” của công nghiệp hóa, do những tri thức nông nghiệp được dạy dỗ trong các trường đại học cũng như được phổ cập trong dân chúng không những không kế thừa mà còn bài bác tri thức của cha ông ta tích lũy hàng ngàn năm trên mảnh đất này. Và như chúng tôi đã đề cập trong kỳ trước, việc tái lập một môi trường tiệm cận với thiên nhiên, tức là tái lập những thửa ruộng mảnh vườn như thửa ruộng mảnh vườn của cha ông ta ngày trước, không hề là chuyện dễ. Người nông dân thì cần cái ăn trước mắt, cần có tiền ngay để lo cho con cái học hành.

Heo ăn cỏ ống rào rào

Còn một điều nguy hiểm nữa, điều mà nhiều người thấy nhưng cũng nhiều người làm ngơ coi như không thấy. Đó là thực trạng các tập đoàn nước ngoài khống chế ngành chăn nuôi nước ta bằng cách phổ cập các giống heo chỉ ăn thức ăn do các công ty thức ăn chăn nuôi sản xuất, liên tục nâng giá đầu vào và khống chế giá đầu ra nhằm bần cùng hóa các hộ chăn nuôi nhỏ, xóa bỏ các con giống truyền thống, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn ngành chăn nuôi nội địa. Báo chí đã lên tiếng, nhiều khi gay gắt, nhưng những tiếng kêu dường như đều rơi vào đôi tai điếc của các bề trên nông nghiệp. 

Thêm vào đó, không phải ngẫu nhiên mà các thứ dịch heo dịch gà ngày càng được công bố với tần suất dày đặc cùng các chiến dịch tiêu hủy heo gà liên tục được tiến hành. Sự thật như thế nào, nó có bị thổi phồng quá mức hay không, nó có phải là sản phẩm của mối liên kết giữa các tập đoàn chăn nuôi – y dược quốc tế hay không, không thể dùng “mắt thường” để thấy, chỉ thấy rõ là qua mỗi đợt như thế, việc tiêu hủy thường hướng vào heo gà của bà con nông dân nghèo của chúng ta. Hẳn nhiều người còn nhớ, chỉ mới đây thôi, nuôi một con sáo, một con họa mi treo trong vườn có khi cũng bị “cơ quan chức năng” đến vặn cổ, dù nó chẳng hề có bệnh tật gì. Điều đáng sợ là những cuộc truy sát đó đều được sự đồng thuận của đa số các phương tiện truyền thông và của đám đông vốn sợ hãi bệnh tật. Ai dám chắc đàn heo đàn gà Organic của mình sẽ không chịu số phận của những con sáo, con họa mi vô tội kia?

Kỳ 6 : Những con chó dạy ta điều gì ?

Nếu bạn không kiêu ngạo với thiên nhiên, bạn sẽ thấy cây cỏ và những con vật dạy cho bạn nhiều hơn những gì bạn học trong trường lớp hay sách vở. Đầu tiên là những con chó.

Nhà văn Nga Anton Chekhov bảo rằng các nhà văn phải như những con chó, dù chó to hay chó bé, nhưng mỗi con đều sủa tiếng riêng của mình. “Lời dạy” đó của ông Chekhov đối với nhà văn ngày nay vẫn hữu ích đối với giới trí thức nói chung, nhất là khi giới này ngày càng dễ tề tựu thành những đám đông mất bản sắc, viết, nói, hô hào, “phản biện” cùng một giọng. Nhưng bài này tôi không nói đến đạo lý đó, vì sẽ lạc đề, dù nó vẫn nằm trong bài học tổng thể mà tôi học từ những con chó của tôi. Ở đây chỉ nói về tự nhiên.

Hai con chó Phú Quốc đầu tiên của chúng tôi sống ở thành phố. Ban đầu tôi tắm cho chúng 2 ngày 1 lần, bằng xà phòng xịn dành riêng cho chó hẳn hoi, nhưng chúng hôi òm, sờ vào chúng mà không rửa tay thì cả ngày chưa hết hôi. Có lúc bận, 1 tuần tôi mới tắm cho chúng, điều lạ là mùi hôi giảm hẳn. Sau đó 15 ngày tôi mới tắm chúng 1 lần, chỉ còn hôi sơ sơ. Khi đưa chúng lên cái vườn này, tôi không tắm chúng nữa, chúng tha hồ chạy nhảy bơi lội, mùi hôi hết hẳn. Tôi không biết chó tây như thế nào, vì tôi chưa nuôi, nhưng đối với chó ta có thể thấy càng tắm càng hôi.

Có người nói chó là con vật không có tuyến mồ hôi, da của nó phủ một lớp màng nhầy rất mỏng bảo vệ, nên chó không thích tắm, khi tắm bằng xà phòng lớp bảo vệ này bị tổn thương, nên cơ thể chó tự tiết ra một chất đề kháng, chính chất đó gây hôi. Nghe rất có lý, nhưng con trâu cũng không có tuyến mồ hôi, mà trâu thì lại thích dầm mình trong nước, trời nắng nóng mà không dầm trong nước trâu sẽ lồng lộn đi tìm vũng bùn, bởi thế mà trâu chỉ cày được ruộng nước, chỉ bò mới cày ruộng khô. Xin lưu ý thêm, nhiều người bảo chó Phú Quốc thích bơi lội, theo tôi thấy thì không hẳn đúng, vì có con thích có con không, thực ra chúng xuống nước để bơi không phải thích, mà để đuổi bắt con gì đó như cá hay ếch nhái, chúng bơi giỏi là do sống trên đảo thường phải săn mồi dưới nước. Con chó làm gì cũng có mục đích, ít khi thích khơi khơi theo thời thượng như con người.

Dù vậy thỉnh thoảng tôi phải tắm cho chó, đó là lúc chúng lăn vào phân bò hoặc phân heo, nhưng không tắm bằng xà phòng. Những con chó của tôi lâu lâu lại lăn vào phân gia súc, khi lăn chúng tỏ ra thích thú như con gà tắm cát, tôi chịu không biết chúng lăn vào phân để làm gì, cũng chưa thấy sách vở tài liệu nào giải thích. Tất nhiên con chó có cái lý của nó, nó không nói ra được, nên chúng ta cần tìm hiểu để “học hỏi”. Tìm hiểu thì thấy ở Ấn Độ người ta dùng nước tiểu và phân bò để chữa bệnh, nước tiểu bò thì chữa từ bệnh cao huyết áp, đau dạ dày đến ung thư, còn phân bò thì làm lành vết thương. Dân gian ta cũng thường đem phân bò bôi vào vết thương của chính con bò. Còn phân heo thì, theo các sách thuốc cổ về Đông y, là vị thuốc có tác dụng chống độc và khử uế môi trường, ngày xưa dân gian thường lấy phân heo phơi khô treo giàn bếp, khi ngộ độc nấm đốt lên hòa nước uống là khỏi. Phân heo nói ở đây là heo nuôi tự nhiên, còn phân heo nuôi công nghiệp thì rất ô uế. Phải chăng những con chó đã sớm biết phân heo phân bò là thuốc, chúng lăn vào người để khử độc cơ thể và bảo vệ da ? Chưa biết chắc được, nhưng rất có thể là như vậy. 

Điều tôi “học hỏi” nhiều nhất ở những con chó là khả năng tự chữa bệnh của chúng. Tôi vẫn biết khả năng tự chữa bệnh của chó, nhưng do không tuân thủ những “nguyên tắc” ăn uống của chó mẹ nên lứa đẻ đầu tiên được 4 con, chỉ sống có 1, khi chưa biết ăn. Sau này tôi phát hiện do em trai tôi đã sơ ý cho chó mẹ ăn thức ăn nhiều hành tiêu ớt tỏi của người, chó mẹ ăn vào thì bản thân không sao, nhưng cho con bú thì “dư lượng” của những thứ gia vị đó làm hỏng hệ thống tiêu hóa khiến chó con tiêu chảy mà chết. Đến lứa thứ hai, sinh được 5 con, rút kinh nghiệm giữ không để chó mẹ ăn gia vị nên chó con rất khỏe mạnh, đặt tên Mít, Bưởi, Đậu, Ổi, Na (thằng sống sót lứa đầu tên Chuối, bố mẹ nó trước sống ở thành thị nên có tên hơi “tây” là Bim và Tu-ti).

Được 3 tháng tuổi, không biết chúng ăn nhằm thứ gì mà lần lượt đi tiêu chảy, lần lượt bỏ ăn, nhưng không nằm trong nhà mà khi thì đi lang thang nhấm nháp cây cỏ trong vườn, khi thì nằm trong bụi cỏ, tối mới về ngủ. Một đứa là thằng Mít đi luôn không về, tối mang đèn pin đi rọi khắp vườn không thấy. Hôm sau mới tìm thấy nó nằm dưới mé ao sát dưới bầu. Bế nó về, đút cháo thịt cho ăn kèm với thuốc đông y trị tiêu chảy, tối nó lại ra đúng chỗ đó, lại bế về, được một hôm thì nó chết. Hai đứa tiếp theo tình trạng diễn ra y như vậy, cũng chết. Còn hai đứa là thằng Ổi và con Na, cũng đi tối không về, nhưng lần này tôi mặc kệ, chỉ tìm xem chúng nằm chỗ nào để theo dõi thôi, thấy chúng nằm dưới mé ao, tôi không bế về nữa, cũng chấm dứt không ép thuốc men cơm cháo. Thằng Ổi chỉ không về một đêm, hôm sau về ăn và khỏe luôn. Nhưng con Na đến 4 giờ sáng ngày thứ 3 mới mò về, rất yếu ớt, buổi chiều nó liếm được cháo, ngày tiếp theo bắt đầu ăn, rồi khỏe hẳn.

Con chó bản tính khiêm tốn và không biết nói, không sân si như con người. Nếu nó biết nói và không khiêm tốn, nó sẽ bảo nó coi khinh cái cách chữa bệnh và các thứ thuốc men của tôi. Lẽ ra nó đang tự chữa bệnh, quá trình tự chữa bệnh của nó chưa hoàn thành, tôi lại chặn ngang quá trình đó khiến cho nó phải chết oan. 

Bệnh tật là gì ? Theo nguyên lý của nền y học dân tộc ta, bệnh tật là do ăn một thứ gì đó trái với tự nhiên, là do sự tác động bất thường nào đó từ môi trường đến cơ thể khiến cho cơ thể phản ứng tự vệ bằng tiêu chảy, bằng nóng sốt, bằng nổi u nổi sần… Muốn phòng trị bệnh một cách căn bản, phải sống thuận với tự nhiên, nếu nặng thì đồng thời tìm cách khắc phục những nguyên nhân gây ra bệnh và tìm những thứ sẵn có trong thiên nhiên để bù trừ vào những chỗ bị tổn hại bị méo lệch của cơ thể. Những con vật sống trong thiên nhiên tự có khả năng đó, còn con người thì phải học mới biết và phải biết cách học. Cha ông ta đã theo chân những con chó, những con heo và các loài động vật khác để tìm ra cây lá chữa bệnh, gọi là thuốc. Nhưng  cha ông ta chữa bệnh không phải chỉ bằng thuốc, mà còn bằng những nguyên tắc sống thuận với âm dương ngũ hành, đều là những tri thức học từ con chó con heo, từ cây cỏ, từ sự vận hành của đất cát, của nắng mưa mà ra cả. Những kết quả thí nghiệm trong phòng, làm sao có thể thâu tóm hết sự bao la của núi sông trời biển ?

Kỳ 7: Nỗi ám ảnh GMO và chất độc da cam

Đề cập đến thực phẩm Organic không thể không nhắc tới chuyện thời sự xung quanh các giống cây trồng biến đổi gen (genetically modified crops – GMC) nói riêng, hay sinh vật biến đổi gen (genetically modified organisms – GMO) nói chung.

Người biểu tình đổ xuống các đường phố Los Angeles (Mỹ) ngày 25.5.2013 hưởng ứng chiến dịch toàn cầu lên án Monsanto và thực phẩm biến đổi gen – Ảnh: AFP

Ngày 3.6.2013, báo điện tử của Chính phủ Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đồng loạt đưa tin “Hàng loạt nước biểu tình phản đối thực phẩm biến đổi gen”, nêu sự kiện hơn 2 triệu người tại 436 thành phố thuộc 52 quốc gia trên thế giới từ Mỹ, Canada đến các nước Nam Mỹ và nhiều nước châu Âu rầm rộ xuống đường chống đối tập đoàn công nghệ sinh học Monsanto, cả hai trang tin này của Chính phủ Việt Nam đều nhận định: “Đây được coi là làn sóng biểu tình mạnh mẽ nhất đối với sản phẩm biến đổi gien – vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe”.

Trước đó và sau đó, trên khắp thế giới đã và đang diễn ra những hoạt động kiên trì và quyết liệt của các nhà khoa học, các nhà bảo vệ môi trường và người tiêu dùng phản đối GMO.

Tôi muốn nhấn mạnh một bản tin đã cũ trên đây để thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhà ta đã vội vã như thế nào khi ngày 11.8 năm nay chính thức phê duyệt 4 giống ngô biến đổi gen “đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi”, trong đó có 2 giống ngô Bt 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, còn 2 giống ngô MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, chính là của Monsanto. Các giống ngô này sắp tới sẽ được chính thức trồng một cách hợp pháp.

Tôi không đề cập đến các cuộc tranh cãi xung quanh thực phẩm GMO mà thế giới đang tốn rất nhiều hơi sức và giấy mực mà kết quả là chỉ có 27 nước cho phép áp dụng nhưng do những quy định tự do thương mại của WTO nên chúng được bán tràn lan trên thế giới. Tôi cũng không đề cập đến những phát biểu “khoa học” kiểu như “chúng ta đã dùng sản phẩm cây trồng biến đổi gen hàng chục năm nay mà chưa ai nhức đầu đau bụng cả” của ông Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Lê Huy Hàm, hay “người ta sợ ma vì chưa bao giờ thấy ma” của một bề trên cao hơn mà báo chí đã đăng tải.

Việc ăn các sản phẩm GMO có nguy hại cho sức khỏe hay không tôi cũng không “nói leo” theo người khác, vì khoa học dù dùng để ủng hộ hay để phản đối GMO cũng đều có giới hạn. Điều tôi muốn lưu ý là cái “con ma” GMO không thể nói là không thấy:

Thứ nhất, những hạt giống GMC của Monsanto đều có đăng ký độc quyền, tất cả các hạt giống đó đều vô sinh, tức là thu hoạch xong muốn trồng lại nhất định phải tiếp tục mua hạt giống của Monsanto, nghĩa là người nông dân và đất nước của người nông dân đó bị cột chặt vào Monsanto, điều đó nhiều người đều biết, ai chưa biết rồi cũng sẽ biết. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó.

Nếu như những cây trồng bằng giống của Monsanto phát tán phấn ra xung quanh khiến cho những cây trồng khác bị nhiễm gen cây của Monsanto, thì theo phán quyết của Tối cao pháp viện Mỹ, cây đó là sở hữu của Monsanto, mà phán quyết của Tối cao pháp viện Mỹ thì có giá trị gần như là Hiến pháp. Khi ấy, người có vườn cây bị nhiễm giống đó sẽ bị quy vào tội ăn trộm giống, dù anh ta hoàn toàn không hay biết. Điều này không phải là giả định mà là thực tế đã diễn ra ở Mỹ.

Trong những năm 1998-2000, Monsanto đã phát đơn kiện 9.000 nông dân Mỹ “ăn căp” giống bắp, đậu nành, bông cải… của Monsanto, các nông dân này hoàn toàn không hiểu điều gì đã xảy ra, nhưng vẫn bị tòa án buộc phải bồi thường cho Monsanto và phải hủy toàn bộ cây cối của họ, sau đó họ buộc phải dùng giống của Monsanto, nếu không muốn ra tòa thêm một lần nữa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biết chuyện này không? Chắc chắn là biết, vì thông tin này có đủ trên báo chí Mỹ và cũng đã được bà Lê Thị Phi Vân, một chuyên gia của Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, từng nêu trong một bài viết. Chuyện này có thể xảy ra ở Việt Nam không? Chắc chắn là có thể, vì Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với Mỹ và tham gia đầy đủ các điều ước quốc tế về thương mại. Trước mắt họ chưa làm ngay, nhưng trong tương lai họ có thể sẽ “thịt” khi con mồi đủ lớn.

Thứ hai, nông dân ký hợp đồng mua giống GMC của Monsanto thì đồng thời cũng buộc phải mua thuốc diệt cỏ Roundup của họ. Đây là thuốc diệt cỏ cực mạnh, một hóa chất mà nhiều tài liệu cho rằng mạnh tương đương như chất diệt cỏ màu da cam được rải trong chiến tranh Việt Nam, chỉ có giống của Monsanto mới “kháng” được thứ thuốc diệt cỏ này. Điều đó có nghĩa là, trên đất trồng giống GMC của Monsanto, không có thứ cây cỏ nào có thể sống được, cây trồng GMC của Monsanto mở rộng tới đâu cây cối bản địa bị tiêu diệt tới đó, muốn phục hồi không phải là chuyện dễ.

Chỉ với 2 sự thật đó thôi cũng đủ để thấy chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, không phải tương lai xa mà tương lai gần, khi các giống cây GMC của Monsanto được trồng trong cả nước, lần lượt hết bắp tới đậu tương.

Các quan chức của chúng ta thường nói “đi tắt, đón đầu”, nhưng lại “đón đầu” cái thứ mà phần lớn thế giới đều muốn tránh xa. Chưa nói đến môi trường và sức khỏe, chỉ nói riêng về kinh tế thôi, các thị trường lớn như Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản chắc chắn là không cần đến thực phẩm GMO của ta, họ đang khao khát thực phẩm Organic và nhu cầu thực phẩm Organic của họ ngày càng tăng mạnh. Ở trong nước, người tiêu dùng sợ hãi GMO đến mức một số doanh nghiệp không dùng GMO buộc phải ghi chữ “không dùng GMO” trên sản phẩm của họ, trong khi lẽ ra chỉ có sản phẩm GMO mới phải công khai danh tánh. Nông dân ta sẽ bán sản phẩm GMO cho ai? Cho gia súc ăn thôi ư? Tới đây các nước lại sẽ buộc các sản phẩm thịt, cá dùng thức ăn GMO để chăn nuôi phải công khai danh tánh thì sao? Chẳng lẽ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại nhược tiểu đến mức mặc định dù có ăn GMO hay không thì bò heo gà vịt của chúng ta vạn năm nữa cũng không thể xuất khẩu được?

Nông nghiệp Organic trong một môi trường canh tác đầy rẫy thuốc trừ sâu diệt cỏ hiện nay một vài hộ khó mà làm nổi, nhưng nếu như có một chiến lược quốc gia bố trí lại vùng, định lại các chính sách thì hoàn toàn có thể làm được. Cuba trong điều kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ và cấm vận vẫn bị duy trì, đã tự cứu mình bằng chính sự ưu việt của nông nghiệp Organic.

Còn tại Nga, theo trang tin rt.com, đầu năm nay Chính phủ nước này tỏ thái độ một cách dứt khoát, rằng nước Nga không có lý do gì để khuyến khích sản xuất hay nhập khẩu các sản phẩm GMO. Thủ tướng Dmitry Medvedev nói: “Nếu người Mỹ thích GMO, họ cứ ăn nó. Chúng tôi thì không. Chúng tôi có đủ đất đai và khả năng để sản xuất thực phẩm hữu cơ”. Có lẽ gì mà nước Nga lại lạc hậu hơn nước ta?

Với việc phổ cập các thứ GMC này, nó tỏa ra tới đâu thì nông nghiệp Organic của ta có mống nào lụi tàn tới đó. Đến lúc bức bách muốn làm lại thì không còn cơ hội.

Và tôi bỗng nghĩ đến chất độc da cam đã hủy diệt đất nước này, 40 – 50 năm vẫn còn di chứng trên người trên đất, không biết bao giờ mới khắc phục được, các nạn nhân khốn khổ của chúng ta vẫn đang đi kiện trong vô vọng. Thủ phạm của thứ chất độc này chính là Monsanto mà nước ta đang rước về, để “đón đầu thành tựu của nhân loại”, về pháp lý thì không có chỗ nào vi phạm, về đạo lý “xóa bỏ quá khứ hướng tới tương lai” cũng không có lý do bắt bẻ, nhưng nghĩ vẫn thấy rợn người…

Kỳ 8: Bệnh tật từ đâu tới ?

Trong các sinh vật tồn tại trên trái đất, lạ lùng kỳ quái nhất là con người, càng hiện đại càng kỳ quái. Trong  thiên nhiên từ cây cối, chim chóc, thú hoang cho tới con sâu cái kiến thứ gì cũng sinh sôi khỏe mạnh theo lẽ tuần hoàn tự nhiên tre già măng mọc, trong khi con người hiện đại thì hầu như ai cũng có bệnh.

 Dáng người hơi khom và đi rất nhanh, nhất là nỗi nhớ rừng, vẫn thường trực trong “người rừng” Hồ Văn Lang khi mới trở về với gia đình, làng xóm – Ảnh: Hiển Cừ

Số lượng bác sĩ ngày càng tăng, những phát minh ra các thứ thuốc ngày càng nhiều, doanh thu của các hãng dược ngày càng lớn được coi là thành tựu của văn minh, trong khi lẽ ra là điều đáng buồn của nhân loại

Sự bất bình thường đó từ lâu đã thành bình thường, ít ai đặt ra câu hỏi ngược. Nhưng ngày xưa không như vậy. Các bộ tộc sống hoang dã không như vậy. Bố con ông Hồ Văn Thanh sống 40 năm trong rừng cũng không bệnh tật gì, cho đến khi được “giải cứu”, được đưa đi “chăm sóc sức khỏe” mới sinh bệnh. 

Thiên nhiên đã bao bọc dân tộc ta bằng một thảm cỏ cây vô cùng phong phú với hơn 12 ngàn loài thực vật được ghi nhận, gấp hàng chục lần châu Âu. Mặc dù rừng rú cây cỏ bị tàn phá nghiêm trọng do chiến tranh và chất độc hóa học trong thế kỷ 20, nhưng kết quả điều tra đầu thế kỷ 21 của Viện Dược liệu thống kê được  3.948 loài  là cây thuốc. Như vậy cỏ cây nước ta cứ 3 cây thì có 1 cây thuốc. Những cây thuốc đó không chỉ nằm ở rừng sâu núi cao mà còn ở ngay trong vườn tược, khắp các bờ bụi ao hồ. Thống kê trên chắc chắn là chưa đủ, vì cây lúa cũng chính là cây thuốc nhưng không được đưa vào, hạt lúa để lâu năm có thể chữa được bệnh nan y, hồi sinh cho người kiệt sức, tất nhiên cây lúa đó không phải là lúa lai.

Do sống thuận với thiên nhiên, bữa ăn truyền thống của người Việt chúng ta bản thân nó là một thang thuốc phòng ngừa bệnh tật. Thuốc đã hàm chứa trong cơm gạo thịt cá rau quả, cái gì ăn được cái đó chính là thuốc. Những khi trái gió trở trời, đã có đủ cây lá trong vườn nhà. Hãn hữu lắm mới có người gặp biến cố mắc bệnh nan y phải cần đến thầy thuốc.

Làng Giảng Hòa (Quảng Nam) tôi ngày xưa có một thầy thuốc bắc là bác Thúc, bác họ tôi. Ông bắt mạch hốt thuốc không chỉ cho người trong làng mà cho cả xã, nhưng năm thì mười họa mới có một người bị bệnh. Gia đình ông sống bằng trồng dâu nuôi tằm, trồng đậu tỉa bắp và dạy học, chứ không sống bằng nghề thuốc. Tôi vẫn nhớ cả làng tôi hầu như không có ai chết trẻ, trừ trận lụt năm 1964 và tiếp đó là bom đạn Mỹ sát hại hơn hai phần ba số người trong làng. 

Dân tộc ta ngày xưa cũng không có nhiều người chết trẻ. Người ta tính tuổi thọ bình quân bây giờ cao hơn thời gian trước giải phóng, nhưng đó là cách tính gộp bình quân những người chết trẻ do chiến tranh, còn trước chiến tranh tôi chắc là không có số liệu tin cậy để so sánh. Những con số “bình quân”, bình quân tuổi thọ, bình quân GDP,… không có mấy ý nghĩa so với những gì diễn ra trong thực tế.

Lịch sử nước ta không có ghi nhận một trận dịch lớn nào gây chết người hàng loạt, trong khi ở châu Âu những  trận dịch kinh hoàng từng giết chết hơn một phần hai dân số. Khi người Pháp đến đây “khai hóa” mới mang theo nhiều “bệnh lạ”. Kể từ đó, chưa đầy 150 năm nền văn minh công nghiệp phương tây đã kéo theo hàng trăm thứ bệnh lũ lượt “nhập khẩu” vào, những thứ bệnh mà dân tộc này chưa bao giờ mắc phải. Con chó Việt Nam vốn không mắc bệnh dại, bệnh dại là do chó tây mang đến. Con chuột Việt Nam vốn không mang dịch hạch, dịch hạch mới xuất hiện ở nước ta từ đầu những năm 1960.

Dịch bệnh ở châu Âu là cái giá mà con người phải trả trong quá trình đô thị hóa, vừa thoát khỏi thiên nhiên vừa tàn phá thiên nhiên. Những trận dịch đã khiến cho người châu Âu ai chết đã chết, ai sống sót đều mang một kháng thể chống được bệnh, nhưng mầm bệnh từ trong người họ vẫn lây nhiễm sang những người không mang kháng thể. Dưới đây tôi chỉ nêu một sự thật mà các sách lịch sử do không đủ dữ liệu nên không nhắc tới, nay thì nhiều nghiên cứu đã khám phá để giúp chúng ta khi xem lịch sử có thêm một cách nhìn.

Tác giả Jared Diamond trong cuốn sách nổi tiếng đoạt giải Pulitzer “Súng, vi trùng và thép”, với nhiều khảo cứu công phu và toàn diện, đã khẳng định người châu Âu khi chinh phục châu Mỹ, đã tiêu diệt các dân tộc bản địa châu Mỹ không phải bằng gươm bằng súng hay bằng trí tuệ hơn người mà chính là bằng vi trùng mang trong người họ. Ông viết : “Những căn bệnh từ các dân tộc đi xâm lược vốn đã mang kháng thể đáng kể lây nhiễm sang các dân tộc không có kháng thể. Bệnh đậu mùa, bệnh sởi, cúm, sốt phát ban, dịch hạch và những căn bệnh truyền nhiễm khác ở châu Âu đã đóng vai trò quyết định trong những cuộc chinh phục của người châu Âu, bằng cách giết hại nhiều dân tộc trên các châu lục khác”.

Jared Diamond viết tiếp : “Khắp nơi ở châu Mỹ, các bệnh dịch do người châu Âu mang tới đã lan tràn từ bộ lạc này sang bộ lạc khác từ lâu trước khi bản thân người châu Âu đến, giết chết khoảng 95% dân số người châu Mỹ bản địa tiền Columbus. Những xã hội bản địa đông dân và có tổ chức cao nhất ở châu Mỹ, các tù trưởng quốc vùng Mississippi, đã biến mất bằng cách đó trong khoảng từ năm 1492 đến cuối thế kỷ XVII, ngay cả trước khi bản thân người châu Âu đến định cư lần đầu tiên ở khu vực sông Mississippi. Một trận dịch đậu mùa vào năm 1713 đã là bước duy nhất và lớn nhất để người di cư châu Âu tiêu diệt sạch dân tộc San bản địa Nam Phi. Chẳng bao lâu sau khi người Anh định cư ở Sydney vào năm 1788 đã bắt đầu trận dịch đầu tiên làm chết hầu hết người châu Úc bản địa. Một thí dụ có bằng chứng rõ ràng từ các đảo Thái Bình Dương là trận dịch đã quét qua Fiji vào năm 1806 do một vài thủy thủ châu Âu bị đắm tàu Argo mà dạt lên bờ. Những trận dịch tương tự cũng xảy ra trong lịch sử Tonga, Hawatii và các đảo Thái Bình Dương khác”.

Dẫn thông tin trên đây tôi không có ý “đổ lỗi” cho văn minh công nghiệp, cũng không phải để tự tôn dân tộc mình hay nói xấu người ngoài. Lịch sử là lịch sử, nhân loại không thể quay ngược thời gian để sửa sai. Nhưng phải biết tĩnh lặng nhìn vào quá khứ để biết bệnh tật từ đâu đến và làm sao để thoát khỏi bệnh tật nhằm duy trì nòi giống. Đọc các bài tường thuật về cuộc “giải cứu” cha con ông Hồ Văn Thanh để đưa về với thế giới văn minh tôi thấy tức anh ách, không phải tôi phản đối việc đưa cha con ông ấy về lại với làng mạc hay có ý muốn khuyên người khác lên rừng ở, mà ở chỗ cha con ông ở suốt 40 năm trong rừng mà không mắc bệnh, là điều mà ngành y tế và truyền thông phải học hỏi, nhưng chẳng ai nghĩ tới điều đó cả. Nhưng thôi, tôi lại “sân si” rồi…

Kỳ 9: Con đỉa và cây cỏ lào

Xin lưu ý trước, bạn không nên tin vào bất cứ thứ thuốc gì gọi là “thần dược” chữa bách bệnh. Trong thiên nhiên tạo hóa không có lý do gì để sinh ra những thứ đó, con người thì càng không có khả năng.

Ao đầm có đỉa rất tốt cho cá

Trước đây tôi hay bị sốt kèm theo ho, khám tây y mỗi nơi nói một kiểu, chụp phổi không thấy vấn đề gì, uống đông dược cũng tái đi tái lại, cạo gió giác hơi thì hết nhanh nhưng không căn bản. Tôi từng viết về tác dụng chữa bệnh của con đỉa, khi ở Sài Gòn có lần tôi cũng đã nhờ em tôi ở Củ Chi bắt cho một mớ đỉa về… nuôi, nhưng kinh quá không dám thử. Tại khu vườn của tôi có hai cái ao, ao phía trên có thả vịt nên không thấy đỉa, ao dưới sát bầu thì thỉnh thoảng thấy đỉa. Tôi bắt đầu dùng đỉa để chữa bệnh. 

Lần bị sốt gần đây nhất, tôi bắt hai con đỉa đặt lên hai bên lưng gần vai, cho chúng hút máu khoảng 1 tiếng, mỗi con nhỏ bằng điếu thuốc phình to ra bằng ngón tay cái, nhìn phát ghê. Tự nhiên thấy cả người nhẹ hẳn, hôm sau thì hết sốt hoàn toàn. Con đỉa đã hút hết máu độc trong người tôi ra chăng? Tôi không biết được, vả lại chỉ mới một lần, nhưng từ đó tới nay gần nửa năm tôi không có dịp nhờ đến con đỉa nữa, vì tôi không còn sốt. Tuy con đỉa chữa được cái bệnh của tôi, nhưng tôi không dám chắc nó có thể chữa được cho người khác, vì cùng một bệnh nhưng nguyên nhân gây bệnh của người này khác với người kia, bởi thế các danh y ngày xưa bắt mạch bốc thuốc bao giờ cũng bốc riêng cho từng người, không thang thuốc nào được làm ra hàng loạt.

Nhưng tôi cũng gặp vấn đề với con đỉa. Vẫn biết con đỉa khi hút máu đồng thời tiết ra một chất chống đông máu, nhưng khi rút con đỉa ra, chỗ vết cắn trên vai máu ra không đáng kể, nhưng chỗ khác thì không như thế. Khi các ngón chân của tôi bị ngứa, có lẽ do lội bùn nước ăn chân, ngứa rất khó chịu, da phồng lên cứng ngắt, hễ gãi thì đau, bôi thứ gì cũng không hết. Tôi đặt con đỉa ngay vào chỗ nổi phồng, nó cắn lệch sang một bên, 30 phút sau tôi rút con đỉa ra. Hôm sau thì hết ngứa, cái cục phồng lên đó cũng teo lại rồi rụng đi. Nhưng chỗ vết cắn thì máu ra triền miên không cầm được, tôi mặc kệ để xem bao lâu thì cầm, nhưng đến 5 tiếng đồng hồ máu vẫn chảy. Nghe nói cỏ lào cầm được máu. Tôi ngắt một ngọn cỏ lào đập dập đắp vào, 2 phút sau là hết. 

Cỏ lào là nguồn thuốc kháng sinh, kháng viêm quý

Con đỉa bị giới trí thức coi khinh, dân thành thị phần lớn sợ đỉa, nhưng người nông dân coi nó là con vật bình thường, khi bị đỉa cắn lấy tay gỡ ra vứt đi là xong. Con đỉa có sức đề kháng mạnh đến mức chỉ có con vịt mới ăn được nó, nhưng nó là thứ không những hoàn toàn vô hại mà còn có lợi đối với con người và môi trường, trừ việc nó chui vào tai vào mũi, nhưng chui vào tai vào mũi thì con gì cũng gây hại, cứ gì là con đỉa. Đỉa làm sạch ao đầm, rất tốt cho cá, đỉa cắn trâu bò chính là chữa bệnh cho trâu bò. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua Trung Quốc sang ta mua đỉa, khiến cho “thị trường đỉa” lên cơn sốt. Trung Quốc âm mưu phá chúng ta nhiều thứ, nhưng đối với việc mua đỉa thì không, họ mua về để chữa bệnh và làm trong sạch ao đầm nước họ. Một số chuyên gia lớn tiếng “cảnh báo” việc nuôi đỉa sẽ khiến cho đỉa tràn ra môi trường như ốc bươu vàng, nhiều lão nông cười khẩy bảo cảnh báo tào lao. Ốc bươu vàng là con ngoại lai, chúng đến đây vô phương hướng, bò được tới đâu thì bò. Còn đỉa là con bản địa, hàng ngàn năm nay chúng biết rõ nơi nào là của chúng, chúng “định vị” được nơi chúng có thể ở lại và nơi nào cần phải rời xa, nếu tràn lan thì lũ lụt đã làm cho chúng tràn lan từ lâu rồi.

Thứ cỏ lào dân ở đây gọi là cỏ hôi, hồi kháng chiến cỏ lào rất hữu dụng cho bộ đội, vừa dùng làm phân xanh vừa làm thuốc chữa lành vết thương, nên cỏ này còn có tên là “cây cộng sản”. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về thứ cỏ hôi này nhằm nấu cao đóng chai làm thuốc, các nhà khoa học đã khẳng định đây là nguồn dược liệu làm thuốc kháng viêm, kháng sinh rất tốt mà không gây tác dụng phụ. Phân xanh từ cỏ lào bón vào gốc cây còn có tác dụng trừ được tuyến trùng gây hại. Cỏ lào mọc khắp nơi ở nước ta, miễn là nơi nào không có thuốc diệt cỏ nơi đó có cỏ lào. Cỏ lào chỗ tôi không biết làm gì cho hết, thỉnh thoảng tôi cắt ủ làm phân, bây giờ thì để chữa bệnh.

Con đỉa và cây cỏ lào chỉ là hai thứ “lèm nhèm” nhất trong khu vườn của tôi, chỉ riêng hai thứ không ăn được đó đã có thể đem lại một phần bình yên đáng kể cho gia đình tôi trước bệnh tật và “giảm giá thành” cho cuộc sống, huống hồ trong khu vườn tôi còn có hàng chục thứ còn quý hơn như thế, tất cả đều tự nhiên mà có, tôi không nuôi trồng, không chăm sóc, không làm gì cả. Trên đất nước này, khi bạn có một mảnh vườn, khoảng một vài sào, chỉ cần bạn không phun thuốc diệt cỏ thuốc trừ sâu, thiên nhiên sẽ mang đến cho bạn hàng trăm thứ cây cỏ mà phần lớn là những cây thuốc. Nếu ngộ độc, bạn nhai cây cỏ ống, nếu cao huyết áp hay bị u bướu bạn uống nước cỏ mần trầu, nếu đau thận hay đau bàng quang bạn dùng cỏ chỉ, nếu mất ngủ bạn ăn canh rau chùm bao, các loại cỏ sữa, cỏ mực, rau trai, rau sam, dền gai… nhiều lắm tôi không kể hết, đều chữa được bệnh. Những thứ đó bạn không cần trồng, mầm của chúng vẫn còn trong đất, nếu không thì chim chóc, gió bão sẽ mang mầm mang hạt tới. 

Nhưng sự ưu ái đó của thiên nhiên sẽ sắp chấm dứt, khi các giống cây trồng biến đổi gen được phổ cập trên đất nước này. Thuốc diệt cỏ Roundup mà tập đoàn Monsanto sẽ buộc người nông dân phải mua của họ cùng với mua hạt giống biến đổi gen, sẽ hủy diệt hết các cây thuốc trên ruộng đồng vườn tược, khi ấy ngay cả cái mầm cái hạt mà chim chóc gió bão mang đi gieo cũng sẽ không còn. Thứ thuốc diệt cỏ Roundup này chẳng khác gì chất độc da cam khi trước. Nếu ai muốn cãi thì cần nhớ lại, chất độc da cam của Monsanto cũng là thuốc diệt cỏ, khi đưa ra sử dụng họ cũng chứng minh, bằng khoa học hẳn hoi, là nó không gây hại cho gia súc và môi trường, nay thì sao, hãy chống mắt lên nhìn đi! Giờ thì họ không rải chất độc nữa mà để cho chúng ta tự mua về để rải.

Kỳ 10: Tưởng nhớ món mì Quảng

Hóa chất và các giống cây lai tràn lan ở nông thôn khiến cho nhiều món ăn truyền thống dần dần bị tuyệt chủng hoặc không còn nguyên hình nguyên vị, trong đó có món mì Quảng.

Mì Quảng không chỉ là món ăn ngon mà còn là một “thang thuốc” phòng ngừa bệnh tật – Ảnh: H.H.V

Tôi có lý do để tin vào việc “chăm sóc sức khỏe” của ba tôi hơn là tin các thầy thuốc, mặc dù ông chẳng bao giờ dạy cho tôi điều gì. Ông mất khi 76 tuổi, suốt đời ông không tiêm một mũi thuốc hay uống một viên thuốc gì, dù là tân dược hay đông dược, không phải ông coi khinh thuốc tây thuốc bắc mà đơn giản là ông không bao giờ bị bệnh. Ông “mất sớm” là do ông uống nhiều rượu, trước khi lâm chung ông còn kịp lấy tay gạt mũi tiêm thuốc hồi sức cho ông, có lẽ ông không muốn gượng gạo cưỡng lại lẽ tự nhiên của tạo hóa. Thời trẻ ông ở quê trồng dâu nuôi tằm, sau này do hoàn cảnh đẩy đưa ông vào sống ở Sài Gòn 45 năm, nhưng dù ở quê hay ở thị thành chợ búa, ông vẫn ăn những món quê mùa mà ngày xưa ông bà tôi ăn, bản tính ông là thế, chứ không phải ông chê những món ăn khác là độc hại.

Ba tôi nấu ăn rất ngon, nhất là món mì Quảng ông làm đúng điệu, gần giống mì Quảng bà nội tôi làm ngày trước. Tôi nói gần giống là vì ngày nay ở thành phố không tìm đâu ra thứ gạo truyền thống tự xay tự giã để làm mì và lá mì phải được làm bằng bột gạo xay tay bằng cối đá, chưa nói đến lá mì ngon nhất phải làm từ thứ lúa trồng ở ruộng có cây cỏ mật, lúa gặt về có lẫn bông cỏ, khi xay giã thành gạo vẫn còn xen nhiều hạt cỏ li ti, nhìn lá mì thấy những hạt màu nâu đen lấm chấm.

Bản thân tôi cũng làm được mì Quảng, tuy không bằng ba tôi nhưng mì tôi làm người thân bạn bè tôi ăn có người làm luôn 4 bát, trong khi vào quán chỉ có thể ăn được 1, đói lắm mới được 2. Ngoài lá mì thuộc về dĩ vãng như đã nói (một số nơi ở Quảng Nam vẫn làm mì theo cách này, nhưng không có thương phẩm), có 3 thứ nhất thiết không thể thiếu trong tô mì Quảng, đó là dầu phụng thiệt (dầu ép thủ công), củ nén và bắp chuối sứ hột. Và có 3 thứ nên tránh, đó là bột ngọt bột nêm, chất tạo màu công nghiệp và một số rau phi bản địa như xà lách hay cà rốt. Nhưn (nhân) mì thường làm bằng thịt gà, thịt heo, thịt bò, tôm, cá lóc, nấm mối… (chỉ một thứ hoặc trộn chung một số thứ đều được), thậm chí chỉ có đậu phụ (không biến đổi gen) cũng có thể làm được nhưn mì.

Dầu phụng không những bổ dưỡng mà còn có tác dụng chống lão hóa, điều hòa tim mạch, cân bằng tiêu hóa, thần kinh, huyết áp, ngăn bệnh dạ dày và tim mạch, giúp chuyển hóa vitamin trong thức ăn. Phải là dầu phụng thiệt mới có những tác dụng đó. Hiện nay dầu phụng thiệt rất khó mua, trên thị trường không biết đâu là thiệt đâu là giả, ngay cả đến mua tại những nơi trực tiếp ép dầu cũng chưa chắc mua được dầu phụng thiệt, vì nhiều nơi đem dầu ăn công nghiệp pha ngay vào bộng ép dầu. Phải tự làm hoặc mua ở những nơi quen biết tin cậy mới có thứ dầu này.

Củ nén, người Bắc gọi là hành tăm, có tác dụng kiện tỳ, trợ tiêu hóa, sát trùng đường tiêu hóa và hô hấp, chống sình bụng, chữa được ho, cảm cúm. Trồng nén quanh nhà có thể đuổi được rắn độc.

Toàn thân cây chuối hột từ củ đến đọt đều là những vị thuốc. Lá chuối hột có tác dụng sát những vi khuẩn xấu và nuôi dưỡng những vi khuẩn tốt nên dùng gói bánh chưng bánh tét để được lâu và tạo thêm mùi thơm dễ chịu. Thịt heo thái ra đặt trên lá chuối hột ăn sẽ ngon hơn là đặt thẳng vào đĩa. Con heo bị ngứa lở loét ăn lá chuối hột sẽ hết, con dê tiêu chảy ăn lá chuối hột sẽ cầm. Trái chuối hột xanh ăn sống chữa bệnh đau dạ dày rất hiệu quả, hiện nay các nhà sản xuất tân dược cũng đã biết cách chiết các chất trong trái chuối hột để làm thuốc chữa dạ dày. Thân cây chuối hột có tác dụng ổn định đường huyết, lợi tiểu, tiêu khát, chống phù thủng, cây chuối hột con phối hợp với chất chiết từ cây tre chữa bỏng tốt hơn các thứ tân dược. Củ chuối hột giải độc, trị ho ra máu và rất tốt cho người bị tiểu đường. Bắp chuối hấp thụ tinh túy các bộ phận của cây chuối, ăn vào thanh lọc ruột, thận, bàng quang, phụ nữ mới sinh ăn vào tiết nhiều sữa.

Nhưng quan trọng nhất là cả ba đều ăn rất ngon. Dầu phụng sống không ăn được vì rất hăng, nhưng phi với nén thì thơm nức mũi, còn bắp chuối hột thì hơi chát nhưng ăn cùng các thứ khác tạo cảm giác hài hòa ngũ vị. 3 thứ “không thể thiếu” này tương tác lẫn nhau và tương tác với các nguyên liệu khác khiến cho mì Quảng có hương vị đặc trưng, vừa ngon miệng vừa ngăn ngừa bệnh tật, khiến cho cơ thể thăng hoa, quả là một “thang thuốc” quý.

Đối với 3 thứ nên tránh, các thứ bột ngọt bột nêm chỉ làm lệch vị và làm rối loạn các tương tác có lợi cho sức khỏe của các nguyên liệu khác chứ chẳng bổ béo gì, chưa nói đến việc lạm dụng chúng có thể gây hại cho hệ thần kinh, còn các thứ rau “phi bản địa” thì không có hại gì nhưng sẽ làm loãng cái vị đặc trưng của bát mì.

Người Quảng Nam ít ai vào quán ăn mì, nó không phải là thứ để ăn “chơi” mà là món ăn tương đối thường xuyên, nhà nghèo thì đôi ba tháng ăn một lần, nhà khá giả thì mười ngày lưng nửa tháng lại làm mì Quảng.

Tôi không rành nhiều món ăn của các địa phương khác, nhưng trên khắp nước ta vùng nào cũng có những món ăn độc đáo như vậy, chúng góp phần củng cố sức khỏe duy trì nòi giống, là một trong những di sản của nền văn minh mà con cháu có trách nhiệm giữ gìn. Cần biết rằng di sản văn minh không chỉ là những vết tích khảo cổ hay đền đài thư tịch, mà còn là những di sản sống, là những món ăn được tiếp truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Rất tiếc là ngày nay, cũng như các món ăn truyền thống khác, khó có thể làm được món mì Quảng nguyên bản, trước hết là do các giống lúa của dân tộc này đã bị loại bỏ, thay vào đó là các giống lúa lai từ Phi từ Tàu. Và đọc sách báo hướng dẫn nấu ăn tôi ngứa mắt khi thấy chỗ nào cũng bột nêm bột ngọt, như thể vị giác của người Việt chúng ta đã thoái hóa, phải “tiếp vị” mới có thể nuốt trôi các món thơm ngon tự nhiên trên chính quê hương mình.

Kỳ 11: Nói leo qua ‘lợi ích nhóm’

Với những gì chúng tôi đang trải nghiệm, tôi hoàn toàn tin nếu ai quyết tâm thì sẽ làm được những sản phẩm rau quả thịt cá tự nhiên không nhiễm hóa chất. Tuy nhiên, nỗ lực của những người có tâm huyết sẽ chẳng bõ bèn gì so với thực phẩm và đồ dùng nhiễm chất độc từ Trung Quốc tràn lan và ngày một gia tăng trong cả nước.

Tỉnh Lâm Đồng tiến hành tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc phát hiện chứa chất độc hại, hồi tháng 6.2013 – Ảnh: Lâm Viên

Hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam, từ thiết bị công nghệ, xe đạp xe máy, đồ chơi trẻ em cho tới mỹ phẩm, đồ ăn, trái cây, hành tỏi gừng nghệ, không có thứ gì có thể tin được. Phần lớn chúng đều mau hỏng và độc hại. Hóa chất độc hại nhiễm trong hàng của Trung Quốc, đã đành rồi. Nhưng người Việt chúng ta cũng dùng hóa chất độc hại để trộn vào cà phê, ướp vào trái cây, tạo hương vị cho thực phẩm, truy ra nguồn thì phần lớn đều xuất phát từ ông bạn láng giềng 16 chữ vàng hữu nghị.

Họ đưa hàng, đưa hóa chất vào để phá hoại kinh tế nước ta, đầu độc dân ta, làm suy yếu nòi giống Việt chúng ta chăng? Có thể có âm mưu đó. Nhưng nếu chúng ta không tự mình rước thiết bị công nghệ về, nếu chúng ta không mở cửa tự do để hứng những thứ hàng hóa rác rưởi ấy về, thì ai có thể thực hiện được âm mưu như vậy.

Hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ tiền thuế của dân và tiền vay mượn cũng phải lấy tiền thuế của dân trong tương lai để trả, đã mang đi nhập thiết bị xi-măng lò đứng, nhập thiết bị nhà máy đường cùng không biết bao nhiêu là công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc, nay đã và sẽ mang đi bán phế liệu. Lẽ ra các quan chức quyết định rước các công nghệ lạc hậu đó về phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, để răn đe những người kế nhiệm, dù họ còn đương chức hay đã về hưu, nhưng lâu nay chẳng thấy ai đả động tới. “Lợi ích nhóm” là có địa chỉ, không phải là chuyện nói khơi khơi trên báo chí.

Còn một việc nữa mà từ lâu chúng tôi đã đề cập, đó là việc liên quan đến ngành công nghiệp ô tô. Chúng ta đề ra chiến lược này chiến lược khác để phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhưng cái quan trọng nhất để cho ngành công nghiệp ô tô đi đúng hướng thì cố tình bỏ lơ. Đó là tiêu chuẩn kỹ thuật. Việt Nam chỉ mới áp dụng tiêu chuẩn khí thải tương đương Euro2, là tiêu chuẩn rất thấp, trong khi thế giới người ta đã áp dụng phổ biến Euro4, Euro5 để bảo vệ môi trường của họ. Với tiêu chuẩn này, xe ô tô sản xuất tại Việt Nam không thể xuất khẩu ra nước ngoài được. Vì lý do gì? Vì các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô của ta chưa đủ trình độ công nghệ chăng? Hoàn toàn không phải, các nhà máy đó là của các doanh nghiệp FDI, họ thừa khả năng để sản xuất ô tô theo tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5 và cao hơn nữa. Chẳng phải vì “lợi ích nhóm” thì là vì cái gì? 

Tiêu chuẩn về khí thải của Việt Nam thấp, một mặt để giúp các công ty xăng dầu trong nước tiêu thụ xăng dầu bẩn “lỡ nhập” hoặc hứa nhập, nhưng điều tệ hại hơn là đã mở đường cho mọi thứ xe cộ lạc hậu rác rưởi từ nước ngoài có chỗ để tiêu thụ hợp pháp, và tệ hại nhất là mở đường để tiêu thụ các loại xe tải kém chất lượng gây ô nhiễm môi trường từ Trung Quốc, những loại xe đưa sang nước khác dù có cho người ta cũng không lấy. Ai được lợi? Ai đã câu kết với ai để lobby chính sách? Câu hỏi đó vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Không nên nói hàng Trung Quốc kém chất lượng. Cái xe đạp, xe máy, ô tô Trung Quốc bán ở châu Âu nó là tiêu chuẩn châu Âu. Quần áo giày dép đồ ăn thức uống Trung Quốc bán tại Mỹ nó là tiêu chuẩn Mỹ. Còn Việt Nam thì hoặc là tiêu chuẩn thấp như chiếc ô tô vừa nói, hoặc là không có tiêu chuẩn nào hết, nên mọi thứ hàng hóa cặn bã từ Trung Quốc đều bán sang Việt Nam.

Người Trung Quốc nổi tiếng là cao thủ dụng độc. Ngày xưa họ dùng độc để tranh bá võ lâm, ngày nay họ dùng độc để kiếm lợi nhuận. Các nước người ta có hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn, còn Việt Nam thì không lập ra hàng rào nào nên tự biến thành một bãi rác và cái hố chứa chất độc. Hằng ngày chất độc vẫn tự do tràn qua biên giới, thấm vào cơ thể, thấm trong thức ăn đồ uống trong các hàng quán, thấm trong cơm gạo bát đĩa của mỗi gia đình, trong chăn chiếu người già, trong quần áo tay chân con trẻ. 

Nhiệm vụ của chính quyền là gì? Chưa sáng Bác đã bật đèn ngồi thảo công văn/Nhắc Ban Bí thư chăn mùa đông cho cháu nhỏ, một thời chúng ta cảm động khi đọc hai câu thơ đó của Chế Lan Viên, còn bây giờ thì không cần như thế nữa. Nhà nước đâu cần phải lo cái ăn giấc ngủ cho dân, chỉ cần bỏ ngăn sông cấm chợ và xóa các rào cản để dân được tự do làm ăn, cũng chẳng cần phải bảo trồng cây này nuôi con kia, dân cũng sẽ tự mình no ấm. Nhưng chính quyền, dù là cơ chế nào đi chăng nữa, cũng nhất định không được từ chối trách nhiệm ngăn chặn các thứ độc hại đe dọa sức khỏe và mạng sống của người dân. Lẽ ra là như thế nhưng chính quyền đã không có một nỗ lực hiệu quả nào để làm như thế.

Hóa chất độc hại trong một cơ sở chế biến cà phê bẩn tại TP.HCM – Ảnh: Thanh Tùng

Các “cơ quan chức năng” sẽ viện dẫn không có người, không có phương tiện, rằng biên giới Việt Nam – Trung Quốc quá dài không kiểm soát nổi. So với tỷ lệ dân số, Nhà nước chúng ta “to” hơn nhiều so với các nhà nước châu Âu, Mỹ, Nhật và nhiều nước châu Á, nhưng các nhà nước này vẫn thiết lập được những hàng rào hữu hiệu, khiến cho đến con cá mà thừa một chút dư lượng kháng sinh cũng bị đẩy bật ra ngoài biên giới. Vấn đề không phải là dựng hàng rào bê tông thép gai dọc biên giới mà chỉ là định ra tiêu chuẩn để những thứ không đủ tiêu chuẩn không được vào, ai tự tiện đem vào thì phạt nặng cho sạt nghiệp, thậm chí đưa ra tòa xét xử. Đó là phạm vi quốc gia.

Còn ở địa phương thì sao? Khi đoàn cán bộ của Bộ Y tế, dù chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” vẫn phát hiện rất nhiều hóa chất độc hại dùng cho thực phẩm bày bán tràn lan ở các chợ nhưng ông chủ tịch thành phố sở tại lại không có động thái gì, khi báo chí phanh phui hàng loạt cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất cà phê, nước tương, mì bún và cùng vô số những thực phẩm khác, nhưng chẳng bao giờ thấy những người lãnh đạo chính quyền địa phương nơi đó chịu trách nhiệm gì, kể cũng là chuyện lạ trên thế giới.

Ở các nước, GDP của một quốc gia chẳng liên quan gì đến ông thị trưởng. Nhiệm vụ của các ông ấy là lo cho sự bình an của người dân, không để trộm cướp hay kẻ gian quấy nhiễu, không để đường phố công viên dơ bẩn, không để môi trường và thức ăn thức uống của người dân bị ô nhiễm chất độc. Còn các vị chủ tịch nhà ta thì quá bận tâm đến chuyện làm ăn của doanh nghiệp, quá bận tâm đến việc cho cái này không cho cái nọ, những việc bận tâm đó đều là những việc nếu không bận tâm thì kinh tế phát triển tốt hơn, trong khi thức ăn thức uống của người dân có nhiễm độc hay không thì chẳng liên quan gì đến các ông ấy.

Bởi thế người dân buộc phải tự mình bảo vệ mình. Nếu vậy thì, nghĩ cho cùng, người dân “đẻ” ra các ông ấy để làm gì?

Kỳ 12: Cuộc chiến với túi nilon

Nếu bạn có ý định trồng trọt chăn nuôi theo phương pháp tự nhiên hay organic, bạn sẽ phải đối mặt với một thứ giặc, đó là túi nilon.

Một bãi rác ứ đọng lâu ngày với các túi nilon gây ô nhiễm môi trường – Ảnh: Trương Quang Nam

Tôi không hề nói vống lên. Mà xin lưu ý, nếu bạn mua một sản phẩm organic, mà sản phẩm đó được đựng trong túi nilon thì lập tức nó không còn là organic nữa, vì những hóa chất trong túi nilon sẽ “chuyển hóa” vào thịt vào cá vào rau quả, dù mắt thường không nhìn thấy, nhưng chất liệu của sản phẩm sẽ không còn nguyên vẹn, nếu không muốn nói là nó đã nhiễm hóa chất độc hại. Những túi nilon nằm trên đất cũng sẽ khiến cho cây trồng vật nuôi của bạn bị nhiễm hóa chất, dù bạn không dùng thuốc trừ sâu diệt cỏ hay phân hóa học.

Những ngày đầu đến lập khu vườn này tôi thuê người tìm nhặt tất cả những túi nilon và mọi thứ hộp nhựa, chai nhựa tràn lan lưu cữu trên khắp mặt đất. Ngày đầu tiên tôi thấy chị người làm chất thành một đống và định châm lửa đốt. Tôi bảo không, không được đốt. Chị ấy nói thôi để em đào hố chôn, tôi bảo cũng không chôn được, phải cho hết vào các bao tải và tìm nơi nào thường có xe đến gom rác để đó cho người ta gom. Chị cười, nói xe gom rác không bao giờ tới cái xã này, xã kế bên cũng không có, phải đi tuốt lên gần thị trấn mới có. Tôi nói chỗ nào có thì mang tới đó.

Mặc dù tôi dùng biện pháp triệt để để loại túi nilon, nhưng hằng ngày túi nilon vẫn cứ “mọc” ra. Gà bới ra túi nilon, heo ủi ra túi nilon, một cơn gió cũng ra túi nilon. Hôm trước mấy người thợ đến làm hàng rào, hôm sau phải đi nhặt túi nilon, hộp nhựa đựng thức ăn và đầu lọc thuốc lá, mặc dù lần nào cũng nhắc đi nhắc lại là không được vứt những thứ đó ra đất. “Công cuộc” nhặt túi nilon của tôi cứ liên tu bất tận. Dù như thế nào tôi cũng quyết phải loại cho bằng hết, nếu không thì việc trồng trọt chăn nuôi của tôi sẽ chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa. Một cái vườn bằng bàn tay còn như vậy, huống hồ là một đất nước.

Chẳng cần phải nói nhiều người cũng biết túi nilon và các loại bao bì bằng nhựa gây độc như thế nào cho người và cho môi trường. Tuy các loại nhựa PE hay PP bản thân nó có thể không độc khi tiếp xúc (các nhà khoa học bảo vậy), nhưng các chất phụ gia làm mềm và hóa dẻo thì độc hại vô cùng, chúng là tác nhân làm gia tăng nguy cơ ung thư, gây rối loạn nội tiết, hại thần kinh, giảm khả năng sinh sản, làm biến đổi giới tính và vô số những bệnh tiềm ẩn khác. Sử dụng chúng đã đành là có hại, nhưng sử dụng xong đốt chúng đi còn có hại hơn, vì chúng sẽ thải ra những chất gây ung thư. Còn vứt đi hay chôn chúng thì môi trường sống bị đe dọa, vì chúng tồn tại gần như vĩnh viễn (người ta bảo phải bốn năm trăm năm, thậm chí cả ngàn năm chúng mới bị phân hủy), làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, ngăn chặn sự luân chuyển oxy trong đất, gây biến thái hệ vi sinh vật, khiến cho đất đai cằn cỗi, cây cối chậm phát triển, dù có ra hoa kết trái cũng không còn nguyên hương vị. Những tài liệu khoa học phân tích về sự độc hại của chúng người ta phổ biến đầy trên mạng, trên báo chí trên truyền hình, thỉnh thoảng lại có thêm những “phát hiện kinh hoàng”, nhưng hình như có quá ít người sợ.

Túi nilon và các bao bì, vật dụng bằng nhựa gây hại cho toàn dân, từ già tới bé không trừ một người nào, nhưng ở nông thôn là nghiêm trọng nhất. Người thành phố sau khi vô tình đưa các chất độc hại vào cơ thể, rác thải nhựa được bỏ vào giỏ rác, các xe rác mang đi tập trung có nơi có chỗ, một phần để “tái chế”, phần khác người ta xử lý theo kiểu nào đó cũng rất có vấn đề nhưng khuất mắt chúng ta không thấy. Còn ở nông thôn thì chỉ có 3 cách: vứt bừa ra đất, tự đốt hoặc tự chôn, trong khi túi nilon và đồ nhựa ở nông thôn là thứ rẻ tiền tái chế đi tái chế lại nên là thứ độc hại nhất, là cặn bã của cặn bã, là thứ không còn gì để có thể tái chế thêm một lần nào nữa. Cầm những túi nilon mới toanh người ta dùng để gói thịt gói rau, gói dưa gói mắm ngoài chợ, trong tay vẫn dính đầy bột hóa chất như dính bụi, nghĩ kỹ mới thấy rùng mình.

Không phải cái gì gây hại cho dân cũng là lỗi của chính quyền. Cả thế giới này đang là thế giới của túi nilon thì dường như mọi nỗ lực nói không với túi nilon đều tắc tị. Có người sẽ bảo nước Mỹ văn minh cao luật pháp nghiêm mà họ có bỏ được túi nilon triệt để đâu. Chúng ta không “bì” được với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và không phải cái gì của họ cũng tốt. Trong nền dân chủ vận động hành lang của họ, một đạo luật ra đời hay không ra đời không phải bao giờ cũng vì lợi ích chính đáng của số đông dân chúng, mà thường phụ thuộc vào cường độ lobby của các “nhóm lợi ích”. Mới đây, lệnh cấm sử dụng túi nilon đã được áp dụng trên toàn bang California, sau một thời gian chỉ áp dụng được ở một thành phố của bang này. Hiện nay các tập đoàn sản xuất đồ nhựa đang chi rất nhiều tiền của để tiến hành những chiến dịch vận động hành lang ráo riết nhằm ngăn chặn mở rộng việc áp dụng lệnh cấm này ra các bang khác. Trung Quốc cũng tiến hành một số biện pháp hạn chế sử dụng túi nilon, nhưng có vẻ như người Trung Quốc quan tâm đến trời biển đất đai của thế giới hơn là quan tâm đến việc ăn ở thân thiện với môi trường.

Nước Mỹ và Trung Quốc có lẽ khó mà loại trừ triệt để túi nilon. Nhưng không phải vì vậy mà nước khác không làm được. Xin hãy chú ý nhìn sang châu Phi, nhiều nước ở Đông Phi đã nói không với túi nilon không phải bằng những cuộc vận động mà bằng luật pháp, trong đó Rwanda là nước áp dụng thành công nhất. Rwanda không phải hạn chế sử dụng túi nilon mà cấm hoàn toàn, sử dụng túi nilon ở nước này là phạm pháp. Là một nước trải qua nhiều đau thương của nội chiến và nạn diệt chủng, Rwanda đã đi lên trong nghèo khó, họ hồi sinh đất nước họ bắt đầu từ sự hồi sinh của thiên nhiên cây cỏ. Họ vẫn đang còn rất nghèo, nhưng đang nhận được những lời ngợi ca từ khắp nơi trên thế giới.

Tháng 9 vừa rồi chính quyền TP.HCM cũng có ra một chỉ thị, gọi là “tăng cường quản lý việc sử dụng và thải bỏ túi nilon”, dù có quy định xử phạt các hành vi đốt hay chôn túi nilon, nhưng nó nhẹ hều chẳng thể tạo ra tác dụng. Tuy nhiên, cùng với việc tăng mức thuế đối với túi nilon từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng/kg ở phạm vi quốc gia từ năm 2012, việc “tăng cường quản lý” của chính quyền TP.HCM cần được ghi nhận là một cố gắng, chí ít là Nhà nước không có ý định buông lỏng. Không có ý định buông lỏng, nhưng quyết tâm thì hình như chưa.

Các quan chức chúng ta nên bớt bớt các chuyến đi cưỡi ngựa xem hoa tốn tiền tốn của để đến Rwanda học cách làm của họ, hoặc là bỏ tiền ra mời họ về dạy dỗ. Họ nghèo hơn chúng ta, nhưng vươn đến đỉnh cao của sự sạch sẽ. Có lý gì mà chúng ta không thể?

Kỳ 13: Thử ‘trốn chạy’ hóa chất

Nếu bạn vừa trồng cây chăn nuôi (theo cách tự nhiên hay Organic) vừa sống trong một khu vườn mà khu vườn đó không có “hạ tầng” kết nối với hệ thống thoát nước công cộng, bạn sẽ phải đối mặt với một vấn đề nan giải: Nước thải sẽ chảy đi đâu?

Loại bỏ hoàn toàn hóa chất mới có thể trồng trọt chăn nuôi Organic

Trước hết, đối với vật nuôi thì không có vấn đề gì, vì phân và nước tiểu của chúng không độc hại, không ô nhiễm, sẽ tự biến thành phân bón trong vườn. Vườn nhà tôi hoàn toàn không có mùi hôi từ các vật nuôi.

Về phòng vệ sinh của người, nếu bạn thực hiện đúng kỹ thuật trong xây dựng khi làm bể tự hoại, từ bể chứa, bể lắng đến bể lọc, thì nước thải cuối cùng về nguyên tắc là “có thể uống được”, nên có thể để thấm tự nhiên vào đất, miễn là bạn không cho nước có xà phòng hoặc hóa chất vào bể chứa. Đường thoát nước từ bồn cầu là riêng biệt, tuyệt đối không kết nối bất cứ đường nước thải nào vào đây, nếu để lẫn nước thải có hóa chất vào, nó sẽ giết chết các vi sinh vật có ích trong bể chứa khiến cho chất thải ở đây không phân hủy được. Kỹ thuật đơn giản này bất cứ kỹ sư xây dựng nào cũng đều biết. Riêng tôi, trong bể lọc ngoài cát vàng, sỏi, than, tôi còn cho thêm đá thạch anh để cho nước sau khi lọc được sạch hơn. Như vậy nước thải từ bồn cầu ra môi trường chỉ còn là nước sạch.

Rắc rối là nước thải từ phòng tắm, chậu rửa mặt rửa tay, máy giặt và chậu rửa chén bát. Đây chính là thứ nước thải chứa đầy hóa chất, từ xà phòng, dầu gội dầu tắm, nước rửa bát, nước rửa tay đến kem đánh răng. Nước thải này mà để thấm vào đất thì cái vườn của bạn sẽ không còn là vườn organic nữa. Cũng do có hóa chất nên chúng ta không thể lọc nó bằng cách giống như cách lọc nước từ bồn cầu. Tất nhiên người ta cũng có công nghệ xử lý được chúng, nhưng trong phạm vi một gia đình thì rất phức tạp. Vả lại tôi cũng không tin là nước thải này sau khi xử lý sẽ hoàn toàn sạch để có thể không làm cho đất đai bị ô nhiễm. Bạn hãy nhìn hai con sông của hai thành phố lớn là sông Tô Lịch và sông Thị Nghè, chúng là nơi hứng nước thải “đã xử lý” của Hà Nội và Sài Gòn, hiện nay vẫn đen ngòm nhìn phát rét. 

Chỉ có một cách, là không dùng các sản phẩm có hóa chất, từ xà phòng cho tới kem đánh răng. Hẳn sẽ có người bảo tôi khùng, tôi lập dị, tôi cực đoan, tôi ảo tưởng. Nhưng nếu bạn muốn tạo ra được sản phẩm organic hoàn hảo thì bạn sẽ không còn cách nào khác. Gia đình tôi đang thực hiện theo cái cách cổ hủ này.

Nhiều người cho rằng ông Nguyễn Đình Chiểu sở dĩ không chịu dùng xà phòng mà chỉ dùng nước tro bếp để giặt quần áo là bởi ông ghét Tây đến mức cực đoan. Đương nhiên là ông ghét Tây, nhưng theo tôi nghĩ thì ông dùng tro đơn giản là vì tro tốt hơn xà phòng. 

Chúng tôi đang dùng nước tro để giặt quần áo, để rửa tay và rửa chén bát. Bạn thử đem tro ngâm trong thùng hay trong chậu, lắng lấy nước, rồi ngâm quần áo của bạn vào, khoảng 1 đêm hay vài giờ cũng được, bạn vớt ra bỏ vào máy giặt, chẳng cần có xà phòng hay bột giặt, quần áo của bạn cũng sạch bong và có mùi dễ chịu. Cũng với nước tro đó, bạn đem rửa chén bát hoặc rửa tay, tôi cam đoan bạn sẽ thấy hài lòng. Giặt rửa bằng tro, nước thải từ máy giặt, từ chậu rửa, bạn có thể xả luôn ra đất, chẳng có hại gì cho môi trường cả, tất nhiên với điều kiện là quần áo chén bát tay chân bạn không nhiễm hóa chất. 

Chúng ta đang tốn quá nhiều tiền cho dầu gội đầu và nước tắm, gần đây thứ gì quảng cáo nói chắt lọc từ thiên nhiên thì thứ đó có thêm giá trị. Dù có chắt lọc từ thiên nhiên nhưng chúng vẫn được tạo ra bằng hóa chất, kiểu gì cũng có độc. Thì tại sao chúng ta không lấy thẳng những thứ từ thiên nhiên? Đó là bồ kết, là sả, là lá chanh hay hoa bưởi… Vườn tôi có trồng bồ kết, tiếc là chưa có trái, nhưng tôi vẫn có thể mua bồ kết về để cả nhà gội đầu. Còn sả, chanh và bưởi thì chỗ tôi có đầy, còn có cả cây hương nhu rừng tự nhiên nữa. Hôn lên một mái tóc thơm mùi hoa bưởi đương nhiên dễ chịu hơn là mùi thơm được tạo ra bằng máy móc. Một cơ thể thơm hương sả hương chanh chắc chắn là hấp dẫn hơn mùi thơm hóa học. Tôi không sành lắm chuyện tắm gội sao cho đúng cách, nhưng tôi bảo đảm cây cỏ hoa lá trong vườn tôi đủ để cả nhà tôi ai muốn biến tấu cách gì cũng được. Nếu bạn tắm gội theo cách này thì cơ thể bạn sẽ thơm mát tự nhiên mà nước thải thì chẳng cần xử lý.

Cuối cùng là kem đánh răng. Trong cuốn hồi ký của mình, vị bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông có nhắc tới việc ông Mao không dùng kem đánh răng, ông ta bảo con hổ con báo có bao giờ đánh răng đâu mà răng của chúng vẫn sạch vẫn trắng. Câu chuyện nói lên sự lập dị của Mao, nhưng không phải ông không có lý. Gần đây các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước dẫn những tài liệu khoa học cho thấy sự độc hại “không tưởng tượng nổi” của kem đánh răng. Có ít nhất 5 loại chất độc được phát hiện trong nhiều loại kem đánh răng: 1- Natri Florua (có hầu hết trong các loại kem đánh răng và nước súc miệng), được coi là chất ngừa sâu răng, nhưng nó độc đến mức lượng Natri Florua chứa trong một tuyp kem đủ để giết chết 1 đứa trẻ trong vòng 2 – 4 giờ. 2 – Triclosan, là chất bổ sung vào kem đánh răng nhằm kháng khuẩn, ngăn ngừa viêm lợi, nhưng đây chính là một thứ thuốc trừ sâu, nó có thể tàn phá các hormone, gây rối loạn tuyến giáp và làm tổn hại nhiều bộ phận khác của cơ thể. 3 – Sodium Lauryl Sulfate, được đưa vào một số loại kem đánh răng, xà phòng và dầu gội, dùng làm chất tạo bọt và tẩy rửa, nhưng nó gây hại cho thận, bàng quang, hại mắt và rối loạn bộ phận sinh dục. 4 – Propylene Glycol, là hóa chất rất hại cho não, gan và thận, gây kích ứng làm lão hóa da. 5 – DEA, là chất tạo bọt có mặt trong kem đánh răng và thuốc trừ sâu, là chất làm gia tăng nguy cơ ung thư gan và thận…

Tất nhiên chúng ta không thể không đánh răng, nhưng chúng ta sẽ thay kem đánh răng bằng thứ gì? Dầu dừa! Nhiều nghiên cứu cho thấy dầu dừa tốt toàn diện cho sức khỏe, đặc biệt đối với răng miệng. Nhà tôi đã tự tạo kem đánh răng bằng dầu dừa bằng cách đơn giản nhất: Trộn dầu dừa với baking soda (là thứ bột nở có nguồn gốc tự nhiên, không độc hại, rất thông dụng cho các bà nội trợ làm bánh), thêm một ít muối. Hiện nay rất nhiều người ở cả nông thôn lẫn thành thị cũng đã dùng loại kem đánh răng tự tạo này, đủ đường lợi ích: sạch răng, bảo vệ chân răng, rẻ tiền và nước thải không gây ô nhiễm. Bạn cũng có thể gia giảm bằng cách không dùng muối mà thêm đường xylitol (một loại đường có nguồn gốc từ thảo mộc) và vài giọt dầu bạc hà. 

Tóm lại, việc “trốn chạy” hóa chất theo cách trên không chỉ bảo đảm cho việc trồng trọt chăn nuôi đúng tự nhiên, đúng Organic, mà còn đem lại lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe…

Kỳ 14: Quỳ hoa bảo điển

Các nhà khoa học nghiên cứu tự nhiên vì nó đẹp. Nếu tự nhiên không đẹp thì nó không đáng để biết, nếu nó không đáng để biết thì cuộc sống không đáng để sống’ – nhà toán học Henri Poincaré

 Một mô hình trồng dâu tây sạch ở nhà vườn Đà Lạt – Ảnh: Linh San

Khoa học đã đạt được những bước tiến kỳ vĩ trên đường con người khám phá tự nhiên. Nhưng mỗi một bước tiến của khoa học đều kéo theo mỗi một bước lùi của con người với tư cách là một sinh vật trên đường tiến hóa. Khoa học tự nó không có tội, tội lỗi do chính sự ngạo mạn tưởng có thể dùng khoa học để “thế thiên hành đạo”. 

Trong diễn từ nhận giải Nobel kinh tế năm 1974, nhà kinh tế học Friedrick Hayek đã gây sốc khi tuyên bố những tri thức về kinh tế học hiện đại là “tri thức ngụy tạo”. Hayek cho rằng, từ những thành tựu ngoạn mục trong khoa học tự nhiên, người ta đã đem những phương pháp của vật lý học và toán học áp dụng trong lĩnh vực xã hội ngày càng rộng rãi với ảo tưởng có thể điều khiển được nền kinh tế và lèo lái xã hội vận hành theo ý chí chủ quan của mình. Ngay từ nửa đầu thế kỷ 20, ông đã cảnh báo “chủ nghĩa duy khoa học” sẽ gây tác hại khôn lường cho xã hội loài người. Sự sụp đổ của nền kinh tế kế hoạch Liên Xô và Đông Âu cũ cũng như sự khủng hoảng nợ công từ các nhà nước phúc lợi châu Âu đã minh chứng lời cảnh báo của Hayek. Thiên hạ sẽ phải túc tắc quay về với “bàn tay vô hình” của Adam Smith để quản lý kinh tế, quản lý xã hội như những người làm vườn … organic.

Nhưng những gì Hayek nói về các khoa học xã hội cũng đúng ngay cả đối với các môn khoa học tự nhiên. Xin nhắc lại một câu chuyện cũ rích trong lịch sử khoa học. Vào cuối thế kỷ 19, Henri Poincaré, nhà toán học vĩ đại người Pháp, từ một “sai sót không quan trọng” khi giải bài toán ba vật thể của Newton, đã chỉ ra rằng, với những sai số vô cùng nhỏ – những sai số mắt thường không thấy được – của những dữ liệu ban đầu, có thể biến thành sự khác biệt khổng lồ trong kết quả dự đoán, rằng muốn đạt được sự chính xác của dự đoán thì các dữ liệu ban đầu phải chính xác tuyệt đối, mà để có những dữ liệu chính xác tuyệt đối là điều không thể, dù trong tương lai máy móc đo đạc có tinh xảo tới đâu. Ông đã đặt nền móng cho một lý thuyết mới, đó là thuyết hỗn độn (Chaos theory) gây chấn động một thời trong giới khoa học, chỉ ra sự giới hạn của việc dùng toán học và vật lý học để dự đoán sự chuyển động của các vật thể trong vũ trụ. Mãi cho đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhà khí tượng học người Mỹ Edward Lorenz, khi lập mô hình dự báo thời tiết trên máy tính, đã làm tròn một con số mà ông nghĩ nó chỉ có một chút khác biệt bé tí tẹo không đáng kể, đã nhận được một kết quả khác biệt vô cùng lớn so với mô hình ông đã làm trước đó với cùng một thông số. Từ đó xuất hiện thuật ngữ “hiệu ứng cánh bướm”, một con bướm vỗ cánh trên cây bưởi vườn nhà tôi ở Bình Thuận, sau hai năm biết đâu sẽ biến thành một cơn bão cấp 8 ở New York (Mỹ). Chaos theory từ đó mới thổi làn gió khiêm nhường vào giới khoa học.

 Các nhà khoa học cảnh báo loài người hiện nay chết già rất ít mà chủ yếu là chết vì bệnh. Chết già là sự viên mãn, là hạnh phúc của con người, còn chết bệnh là cái chết tức tưởi. Cái gọi là tuổi thọ bình quân cao ở các nước “văn minh” phương tây chẳng có bao nhiêu ý nghĩa. Dùng hóa chất và công cụ y học để kéo dài sự sống, đoạn sống được kéo dài đó nhiều khi chỉ là cái chết lâm sàng.

Các nhà khoa học chân chính biết rõ giới hạn của tri thức nên họ ngày càng trở nên khiêm nhường trước tự nhiên. Họ khám phá tự nhiên để chiêm ngưỡng vẻ đẹp vẹn toàn của nó, để thấy mình đáng sống vì mình là một thành tố của vẻ đẹp vẹn toàn đó, “nếu tự nhiên không đẹp thì nó không đáng để biết, nếu nó không đáng để biết thì cuộc đời không đáng để sống” (Poincaré). 

Nhưng các chính khách, nhất là các chính khách ở các nước lớn và các nhà tài phiệt thì không. Khoa học không chỉ được họ lạm dụng để giết người hàng loạt mà còn được sử dụng bừa bãi để kiếm lợi nhuận và dùng lợi nhuận nhân danh văn minh chọc thủng mọi thứ thành trì  ở mọi quốc gia để kiếm siêu lợi nhuận. Lòng tham, sự kiêu ngạo, tính thiển cận và thói bầy đàn của nhân loại luôn luôn tiếp tay cho việc lạm dụng khoa học. Hậu quả là trái đất ngày càng tiêu điều xơ xác, môi trường sống bị thu hẹp, loài người trở nên bệnh hoạn yếu ớt.

Các nhà khoa học cảnh báo loài người hiện nay chết già rất ít mà chủ yếu là chết vì bệnh. Chết già là sự viên mãn, là hạnh phúc của con người, còn chết bệnh là cái chết tức tưởi. Cái gọi là tuổi thọ bình quân cao ở các nước “văn minh” phương tây chẳng có bao nhiêu ý nghĩa. Dùng hóa chất và công cụ y học để kéo dài sự sống, đoạn sống được kéo dài đó nhiều khi chỉ là cái chết lâm sàng.

Sự lạm dụng khoa học mới nhất là sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra thực phẩm biến đổi gen, bất chấp những phản đối của đông đảo các nhà khoa học, nó nhảy phóc và siêu thị và nhanh chóng lan tràn ra khắp thế giới. Người ta đã dựa vào những tuyên bố nước đôi của Tổ chức Y tế Thế giới, rằng loại thực phẩm này phải được chứng nhận không có nguy cơ về sức khỏe với con người dựa theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm do tổ chức này thiết lập mới được đưa ra thương mại hóa. Nhưng hãy nhớ, thuốc diệt côn trùng DDT từng được Tổ chức y tế thế giới khẳng định là vô hại với con người và môi trường và nó đã được đem phủ khắp hành tinh. Hàng chục năm sau, cũng chính Tổ chức y tế thế giới khẳng định nó gây ra bệnh ung thư và hủy hoại môi trường. Lệnh cấm đã ban ra, nhưng hậu quả thì hàng chục, hàng trăm năm chưa chắc đã khắc phục xong.

Để kết thúc ký sự này, tôi nhớ tới câu chuyện luyện Quỳ hoa bảo điển (hay Tịch tà kiếm phổ) trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Quỳ hoa bảo điểnlà bí kíp võ công thượng thặng, ai luyện được nó có thể làm bá chủ võ lâm. Vị cao nhân phát minh ra nó, ban đầu có lẽ xuất phát từ việc say mê vẻ đẹp của võ học, đã thấy ngay hậu quả khôn lường nếu nó lọt ra giang hồ, không chỉ vì những chiêu thức tàn độc của nó mà còn gây nguy hại cho chính người luyện, vì muốn luyện được nó phải tự thiến mình, bởi vậy nên ông đã cất giấu hết sức bí mật. Nhưng càng bí mật càng cuốn hút thiên hạ tìm kiếm. Cuối cùng có 3 người lấy được và luyện thành công sau khi hủy hoại thân thể của mình, là Đông Phương Bất Bại, Lâm Bình Chi và Nhạc Bất Quần. Lâm Bình Chi vì để trả thù nên mù quáng, là kẻ đáng thương. Đông Phương Bất Bại làm ác không che giấu, là một kẻ nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm nhất là Nhạc Bất Quần, là kẻ miệng nói thiện nhưng luôn luôn hành ác. Sự lạm dụng khoa học ngày nay so với việc luyện Quỳ hoa bảo điển xem ra không khác mấy. 

Riêng về chuyện ăn ở, dù quá muộn và quá chậm chạp, nhưng nhân loại đang quay đầu, bắt đầu từ bỏ những món Quỳ hoa bảo điển để hướng về những khu vườn tự nhiên, những khu vườn Organic. Có nhiều bằng chứng cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống thân thiện hài hòa với thiên nhiên, nếu được mở rộng vẫn đủ thực phẩm, cho hiện tại và cho tương lai của nhân loại. Sống hài hòa với thiên nhiên, con người cũng sẽ sống hòa bình với nhau, để cùng nhau chiêm ngưỡng vẻ đẹp vĩnh hằng của tạo hóa và vẻ đẹp kỳ vĩ vô tư của khoa học, cũng là vẻ đẹp của chính mình.

Tác giả: Hoảng Hải Vân
Nguồn: Báo Thanh Niên

Related Articles

Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ

Cẩm nang giới thiệu đến các bạn những nguyên tắc và cách thực hiện cơ bản trong sản xuất rau hữu cơ. Một tài liệu đào tạo về Nông nghiệp hữu cơ vùng nhiệt đới từ ADDA – Văn phòng tổ chức “Phát triển nông nghiệp Châu Á – Đan Mạch” tại Việt Nam.

Thiên nhiên và Nông nghiệp

Nếu chúng ta suy nghĩ một cách nghiêm túc về nông nghiệp – những vấn đề và sự cải tiến của nó, chúng ta phải học hỏi từ thiên nhiên. Tại sao vậy? Bởi thiên nhiên là lý tưởng. Trong việc sản xuất sinh khối, duy trì độ màu mỡ, bảo vệ đất, khống chế dịch bệnh, sử dụng năng lượng đầu vào – thiên nhiên cho chúng ta hệ thống hiệu quả nhất. Vậy chúng ta có thể tìm thiên nhiên thực sự ở đâu?

Gieo mầm trên sa mạc

Cuốn sách này chủ yếu là về thực hành, và dù đã không có được lượng độc giả rộng khắp như cuốn Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, nó vẫn rất đáng đọc, đặc biệt là với những ai quan tâm tới việc đưa những phương pháp làm nông tự nhiên của ông Fukuoka vào thực hành trên mảnh đất của chính mình.

[Infographic] Tìm hiểu về Nước & Vòng tuần hoàn của nước

Vòng tuần hoàn nước là gì? đó chính là sự tồn tại và vận động của nước trên mặt đất, trong lòng đất và trong bầu khí quyển của trái đất. Nước trái đất luôn vận động và chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ thể lỏng sang thể hơi rồi thể rắn và ngược lại. Vòng tuần hoàn nước đã và đang diễn ra từ hàng tỉ năm và tất cả cuộc sống trên trái đất đều phụ thuộc vào nó, trái đất chắc hẳn sẽ là một nơi không thể sống được nếu không có nước.

Responses

  1. Thấy anh có nhắc đến món mì quảng, mình rất ghiền ăn món này, nhưng bây giờ, ngoài quán bán ăn hương vị không như hồi nhỏ đã từng ăn, anh có thể viết bài hướng dẫn nấu mì quảng luôn không ạ, cảm ơn anh!